Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 1: Không ai nhường ai

Cập nhật lúc: 13:29 04/02/2018

https://thanhnien.vn/thoi-su/phong-su-dieu-tra/cuoc-doi-sau-tay-lai-ky-1-khong-ai-nhuong-ai-284282.html

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 1: Không ai nhường ai

 0
Đây là những dòng viết của một tài xế. Tác giả gửi cho chúng tôi với ước muốn được chia sẻ tâm trạng của một người trong cuộc về trách nhiệm xã hội và lương tâm người tài xế trước thực trạng nhiều vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng người vô tội. Xin giới thiệu với bạn đọc, đặc biệt là các bác tài, những người đang giữ trong tay mình sinh mạng và cuộc đời của rất nhiều người.
 

Tân là bạn lái xe với tôi cùng thời ở công ty xây lắp. Anh nghỉ hưu non được mấy tháng thì buồn, bèn rủ bạn bè chung nhau mua một xe khách chạy Bắc - Nam. Chuyến xe hôm ấy Tân lái, còn tôi ngồi bên phải.

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 1: Không ai nhường ai - ảnh 1

Phút giây ngày giáp tết

Cứ thấy đường vắng, không có cảnh sát giao thông là Tân vô tư đạp ga. Xe đang bon ra khỏi ngoại thành Huế, bất chợt có tiếng động cơ xe máy gầm rú cạnh bên khiến mọi hành khách đang thiu thiu ngủ giật mình tỉnh giấc. Qua gương chiếu hậu, tôi thấy hai nam thanh niên đang rạp người trên chiếc xe gắn máy quyết liệt vượt qua xe khách. Tôi liếc nhìn tốc độ xe mình lúc đó chỉ gần 100km/giờ.

Tân giảm ga nhường đường cho hai yêng hùng xa lộ vượt lên. Nhưng chiếc xe máy đó đồng thời cũng giảm ga, chạy so kè với xe khách như đùa giỡn. Tân bực dọc tăng tốc thì xe ấy cũng tăng tốc theo... Qua cây số 9, rồi 10, 11... tình trạng đó vẫn tiếp diễn. Lúc này phía trước đã xuất hiện vài chiếc xe ngược chiều.

Bất thần, trong đoàn xe tốc hành ngược chiều ấy có một chiếc từ phía sau lao vút lên trước, vượt qua các xe khác. Tôi nín thở và Tân thì giữ vững tay lái không dám xử lý gì vì trên xe đầy hành khách. Khoảng cách hai xe ngược chiều dần khép lại. Cùng lúc đó, đằng sau xe Tân lại có một chiếc xe khách cùng chiều đang bám đuôi. Chiếc xe gắn máy đã rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan nên cố vượt lên phía trước.

Một tiếng “soạt... rầm...” thật lớn phát ra dưới hông trái xe tôi. Tân đạp phanh, xe chao đảo một hồi rồi dừng. Hành khách trên xe dựng tóc gáy chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: chiếc xe máy gãy từng khúc, văng tứ tung. Hai thanh niên to con lúc nãy giờ đây bẹp dúm, biến dạng. Tân hoảng hốt núp lẫn trong hành khách. Có một thanh niên mày mò lắm mới đọc được biển số xe máy bị nạn phát hiện nạn nhân là người làng mình, bèn chạy về cấp báo.

Mãi sau mới có một người phụ nữ tật nguyền, khập khiễng bước tới. Bằng linh cảm của người mẹ, bà lao vào một trong hai hình hài quần áo bùng nhùng lẫn thịt xương gào khóc thảm thiết...

Sau khi đã làm xong hết nghĩa vụ đối với người bị nạn. Tân từ biệt bạn bè về vùng quê nghèo dưỡng trí. Anh bán phần xe của mình và không thiết bằng lái nữa. Bị ám ảnh bởi hình ảnh đêm đêm người mẹ gầy guộc ra nghĩa địa kêu trời, khóc con mà anh tình cờ chứng kiến trong lần quay lại nhà nạn nhân, Tân như một con người khác hẳn. Chàng trai ngồi sau xe gắn máy là con trai độc nhất của bà mẹ tật nguyền này.

Cha mất, mẹ bệnh, anh nuôi cả gia đình bằng nghề làm cửa sắt ở Hà Nội. Ngày cuối năm, anh mang tiền thưởng về quê cho mẹ. Lúc dọn nhà, phát hiện bàn thờ bị mối ăn nên lên thị trấn mua thuốc diệt mối. Trên đường về, anh gặp người bạn cùng làng với chiếc xe máy mới mua. Cả hai uống bia mừng hội ngộ và kết cục đau lòng đã xảy ra...

Tôi hỏi Tân: “Còn nạn nhân thứ hai?”. Tân buồn bã trả lời: “Ở cái xứ thường xuyên bão lụt ấy thì ít có nhà khá giả. Cả gia đình anh ta ở trong một từ đường lụp xụp, người thân từ nước ngoài gửi tiền về sửa sang nhưng anh ta lại mua xe gắn máy chạy tết cho oai”. Khi đến thắp hương, Tân không dám nhìn vào đôi mắt người cha, người vợ của nạn nhân, ảm đạm như bầu trời chứa đầy nước, luôn cả đôi mắt trong veo, ngây thơ của đứa con đầu lòng của họ.

Cháu bé hết nhìn Tân rồi nhìn những gói bánh kẹo trên bàn thờ, chắc cứ ngỡ cha mình đi đâu đó rồi sẽ về. Còn gã tài xế vượt ẩu ngày đó, Tân kể tiếp, công an phát hiện hắn xài bằng giả, hắn sống lưu linh như cánh bèo trôi. Chủ xe khai thuê anh ta làm thời vụ, cơm đong, nước đếm theo chuyến. Kết cục của anh ta đang trong nhà lao.

 

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 1: Không ai nhường ai - ảnh 2
Chỉ vì một phút không chịu nhường nhau, các bác tài đã gây nên tai nạn giao thông thảm khốc ở Cầu Ghềnh (Đồng Nai) - Ảnh: Anh Anh

 

Bác tài “số 1”

Đức là bạn cùng lớp lái xe với tôi ở trường công nhân cơ giới Quảng Ngãi. Anh là người chậm chạp, nhút nhát, suýt trượt tốt nghiệp. Gặp Đức ở bến xe An Hòa, Huế, anh lái chiếc xe khách Huế - Vinh còn tôi thì ra đèo Ngang, Quảng Bình trả phép. Tôi quá đỗi ngạc nhiên khi thấy anh thay đổi từ cách nói năng, ăn mặc đến động tác xỉa thuốc lá mời thật sành điệu. Hành khách lác đác lên xe làm tôi sốt ruột.

Đoán biết, Đức nói: “Yên tâm đi, xe mình bao giờ cũng đến trước tụi lái “bép” ấy”. Một chị buôn chuyến phụ họa: “Xe chú Đức bao giờ cũng về số 1”. Quả thật... danh bất hư truyền, xe vừa xuất bến Đức đã cho lao vun vút ra vào nhặt khách trên đường như xiếc! Đến Vĩnh Linh, rồi Hồ Xá... Đức hãnh diện vượt lên một xe xuất bến trước... Và có lẽ muốn lấy le với tôi nên Đức tiếp tục đua hòng đuổi kịp nhiều xe khác.

Tốc độ càng cao, xe càng tròng trành như chiếc lá, tôi cảnh báo: “Giảm ga, coi chừng tai nạn!”. Nghe vậy mấy bà buôn chuyến đốp liền: “Chú ni nói chi lạ rứa, xe tới trễ tụi tui bán hàng cho ai”. Ra tới Lệ Thủy, Lệ Ninh, xe Đức lại tiếp tục đuổi theo vượt một xe trước. Nhưng lần này thì khác, hai xe cứ chạy so kè nhau cả mấy cây số. Xe Đức vừa trồi lên thì phải tụt xuống vì có xe đi ngược chiều.

Tài xế xe kia cũng trẻ như Đức nên không ai chịu nhường ai. Tôi không chịu được nữa bèn hét lên: “Dừng lại, dừng lại, chết cả xe mất!”. Nhưng Đức đã quá say tốc độ. Tới một cung đường vòng, bên trái là đồng ruộng sâu hút, bên phải là khu dân cư, lúc này cả xe đều bị hạn chế tầm nhìn phía phải. Bất thình lình xe kia phanh rít lại, xe Đức bên trái cứ thế vượt lên. Trước mặt Đức là một cậu học trò cưỡi chiếc xe đạp, có lẽ bị mất phanh nên xe lao từ dốc xuống quốc lộ.

Theo phản xạ, Đức lách tránh cậu bé và bay ào xuống khu ruộng trũng. Trong khoảnh khắc chơi vơi, tôi bám chặt vào thành xe nên thoát chết. Hành khách kẻ thì văng ra đường, rớt xuống ruộng, người kẹt cứng trong xe kêu vang thảm thiết. Suốt buổi ấy tôi tham gia kéo xác, tải thương. Nhìn áo quần mình bê bết máu tôi cứ nghĩ của nạn nhân, nhưng không phải, một vết cứa chạy dọc từ đùi tôi xuống hết ống quyển.

*****

Tôi về thăm Đức vào một buổi trưa hè nắng rát bỏng vùng đất Quảng Điền. Chợt nhớ thuở còn đầy ắp mộng mơ trong nhà trường tôi từng hỏi Đức: “Ra trường mày muốn công tác ở đâu?”. Đức trả lời: “Tao sẽ lái xe cấp cứu cho huyện, quê tao nghèo nhiều người chết chỉ vì chuyển viện không kịp!”. Chao ôi, ai biết ước mơ ấy không thành, Đức đi vào con đường khác và bây giờ đất đai đã bán hết mà thi hành án vẫn chưa đủ. Tôi thật sự ái ngại khi nhìn bạn mình hai mắt mù lòa, mặt dị dạng vì bị kính lái đâm vào. Đức rờ rẫm, ôm tôi nức nở: “Giá như ngày ấy tao nghe mày giảm ga thì cuộc đời tao và nhiều người nữa đã không ra nông nỗi này!”.

Theo Tuổi Trẻ