Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 3:

Cập nhật lúc: 12:08 15/02/2018

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 3:

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 3: Trên những nẻo đường đời

TT - Mấy chục năm trong nghề lái xe, với tôi cuộc sống luôn là những trải nghiệm. Vạn dặm đường trường, buồn vui đủ cả.

PRjzRbgl.jpg
Chỉ vì một phút lơ là, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, tài xế đã để xe đâm vào tàu hỏa làm 9 người chết. Tai nạn xảy ra ngày 30-3 tại Thường Tín, Hà Nội - Ảnh: Anh Quang

Phía sau tay lái

Nhớ một ngày của năm 1997, tôi lái chiếc xe trộn bêtông đi trên đường Nguyễn Huệ, Huế. Thoáng đằng xa thấy hai người có vẻ đang cãi nhau nên đề phòng, đến sát bên người đàn bà bất thần lao thẳng vào đầu xe tôi. Cú lách và phanh đến “cháy bánh” khiến chiếc xe đầy bêtông suýt lật nhào.

Xuống xe, nhìn thấy đầu người phụ nữ cách bánh xe có một gang tay, tôi quát lên: “Chị muốn chết hả?”. Bà ta quát lại: “Tao muốn chết! Tao muốn chết!”. Sự đời có những điều vô lý như thế, trong tuyệt vọng người ta có thể trút hiểm họa sang người khác một cách dễ dàng.

Lần khác, trên ngã tư Trường Sơn - Cửu Long, khu cư xá Bắc Hải, TP.HCM, trời mưa và tôi đang trên đường về cơ quan. Thoáng thấy một bóng đen bên trái lao vút vào xe mình, tôi nhanh tay lách phải cùng chiều để giảm bớt lực va đập. Hai tiếng “ầm, xoạc” liền nhau. Chiếc xe máy đang ngon trớn xoay bên cạnh một người bị cuộn tròn trong áo mưa bất động.

Lòng tôi nhủ: “Thế là giờ G đã đến!”. Nhưng lạy trời, chiếc áo mưa và mũ bảo hiểm đã cứu sống người đàn ông say rượu đến mềm oặt này. Tôi lên xe đi mà lòng chẳng biết vui hay buồn.

Chuyện ân tình của một bác tài

Nhà quá nghèo, cha mẹ cho tôi đi phụ xe tải từ nhỏ để tự nuôi thân. Niềm mơ ước có tấm bằng lái xe mưu sinh luôn là khát khao lớn nhất. Được chủ xe chỉ bảo tận tình cộng với chút năng khiếu nên chưa đến tuổi lấy bằng mà tôi đã lái xe khá vững. Chủ tin tưởng cho chạy đêm hôm và giao nhận hàng hóa mỗi chuyến đi về. Khuya ấy, sau khi trả hàng tôi đưa xe về nhà chủ. Ngang qua ngã tư bất thình lình nghe “bộp” một tiếng thật mạnh bên phải hông xe. Tôi tấp vào lề, quay lại coi sự thể, thì hỡi ơi một chiếc xe máy chỏng chơ, nát hết phần trước, một người đang giãy vài cái rồi tắt thở. Tôi rụng rời chạy bộ về nhà chủ báo tin. Khi chúng tôi quay lại thì cảnh sát đã có mặt. Ông chủ tôi xuất trình bằng lái, giấy tờ và nhận mình gây tai nạn. Luật giao thông hồi đó xe to là xe có lỗi, dù trong túi áo nạn nhân còn kim tiêm và một tép hàng trắng dùng dở. Chi phí mai táng, bồi hoàn và cả 2 năm tù chủ tôi chịu hết.

Cho đến khi mãn tù ông không hề nặng nhẹ tôi một lời. Ân tình ấy tôi tự nguyện phục vụ hơn 10 năm lái xe cho gia đình họ mà không đòi hỏi điều gì hết. Cuộc đời rất lạ, mình sống ân tình với người này thì nhận được sự bao dung, giúp đỡ của người khác. Rồi một ngày tôi trở thành lái xe công, có nhà cửa, con cái trưởng thành, có công ăn việc làm. Con trai lớn của tôi có gia đình và sống bằng nghề tài xế. Tôi luôn nhắc chính mình rằng: xây hạnh phúc bằng chữ tâm là vững bền hơn hết!

Một ngày đã lâu, tôi được biệt phái sang đơn vị khác đón khách từ sân bay. Chuyến bay đến trễ, rất đói. Đưa khách về khách sạn xong, tôi tranh thủ tìm cơm ăn. Vừa cầm đũa, máy nhắn tin hiện lên dòng chữ: “Đem túi xách về khách sạn cho anh T”. Tôi vội ra xe kiểm tra rồi điện bảo không có. Phía bên kia gắt giọng: “Trên xe chứ không ở đâu cả!”. Tôi lại lục tung xe thiếu điều xé toạc các đệm ghế...

Họ ra lệnh đem xe về cơ quan để kiểm tra. Không có túi xách, tôi bỏ cơm trưa và muốn viết đơn xin nghỉ việc. Buồn so đến chiều, tôi bất ngờ nhận một dòng tin nhắn lạnh trơn: “Đã tìm được túi xách ở sân bay”. Với người ta, té ra sự việc đơn giản là thế.

Trong nghề này những chuyện như vậy rất nhiều, tình cờ nhớ thì ghi ra vậy thôi chứ tôi ít khi để bụng, thậm chí có những chuyện nghiêm trọng hơn luôn chờ bạn. Nghề tài xế, vì thế, không phải ai cũng mê và cũng chọn như một lẽ sống ở đời. Có những bạn bè tôi đến với nó một cách rất tình cờ, giống như là số phận!

Cú nhảy định mệnh

Hưng đang là lái xe cho một văn phòng đại diện báo ở miền Trung kể câu chuyện chọn nghề như một nỗi niềm riêng: “Lúc cha em còn sống, ông cương quyết không cho em làm nghề này mà bắt phải học hành thành tài, dù ông là một tài xế lành nghề, nuôi sống cả gia đình bằng chiếc xe tải cũ mua trả góp. Em hiểu nỗi niềm ông qua nếp sống gia đình. Cứ đến những tháng ngày cận tết, người ta kêu chở hàng nhiều là cha biền biệt. Mẹ em luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ vì đã đôi lần cha bị tai nạn. Tâm trạng khắc khoải của bà lây sang cả đàn con thơ...”.

Một ngày cuối năm, vừa bình phục sau một cơn bệnh, cha Hưng phải lên đường chuyển một số hàng tết. Trên chuyến xe ấy, ngoài người tài xế ruột cha đã dày công đào tạo còn có cả mẹ Hưng đi cùng để chăm sóc chồng và buôn thêm chuyến hàng để trả nợ.

Xe chở hàng nặng từ Nam ra, cha Hưng cầm lái suốt đêm. Xuống hết đèo Hải Vân khúc khuỷu, ông thở phào giao tay lái cho học trò. Thời khắc cha Hưng đang thiu thiu ngủ thì bất chợt nghe tiếng la hoảng của tài xế: “Xe mất phanh rồi!”.

Cha Hưng choàng tỉnh, lúc đó xe đang xuống đèo Phú Gia. Ông hỏi liền: “Xe đang đi số mấy?” - “Số ba”. Ông trấn an: “Không sao! Cứ bình tĩnh! Mở hết đèn lên, cả xinhan nữa để các xe ngược chiều biết mà tránh. Làm theo lời chú...”.

Cứ mỗi lần người tài xế định thực hiện mệnh lệnh của ông thì xe lại chao đảo muốn lao xuống vực. Cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần như thế khiến anh ta mất bình tĩnh, nói lạc cả giọng.

Thất vọng vì sự thiếu tự tin của học trò, chỉ còn trăm mét nữa là đến khúc cua khuỷu tay, chắc chắn xe sẽ lao xuống vực. Ông bậm môi giục mẹ Hưng: “Hai ta phải có một người sống để nuôi con, em nhảy xuống đi!”. Mẹ giãy nảy: “Em đàn bà làm sao nhảy được, anh xuống đi!”. Đùn đẩy mãi, xe cứ tăng tốc... Khúc cua tử thần đã xuất hiện.

Không chần chừ được, cha Hưng tung cửa nhảy vội xuống đường. Lúc này người tài xế bừng lên một bản năng sống mãnh liệt, anh ta bặm môi thực hiện nhanh những thao tác liên hoàn dồn số mà cha Hưng đã dạy từ trước. Tiếng rẹt...rẹt... kéo dài, phát ra từ hộp số chấm dứt là lúc xe khựng lại vì đã vô được số 2. Xe ngoan ngoãn bò xuống con dốc gấp khúc và từ từ đi vào đường lánh nạn gần nhất.

“Mẹ em hớn hở chạy ngược dốc tìm cha để báo tin vui nhưng tới nơi thì cha em đã bất động, hai tai rỉ máu. Thao tác nhảy xuống đường lúc xe đang chạy thật không quá khó với một người lái xe tải lâu năm như cha. Nhưng bữa đó ông đã bị đập đầu xuống đường do rơi xuống vùng taluy ẩm ướt...”.

Hưng ngậm ngùi kết chuyện để bắt đầu cái lý do vào nghề của mình: cha mất, gia cảnh khó khăn hơn, con đường ngắn nhất để giúp mẹ là nghỉ học, phụ xe, học nghề tài xế. Nỗi lòng một mình đêm khuya nghe tiếng lốp xe bon bon trên đường vắng, nhất là mỗi lần ngang qua chỗ cha mất, Hưng bảo mình luôn thắt ruột!

________________________

Mỗi lần đi qua những “cung đường tử thần”, tôi hay dừng lại để thắp nhang tưởng niệm người xấu số và cố tình chạy chậm lại. Ngoài chuyện an toàn, tôi muốn thử suy ngẫm xem điều gì đã xảy ra lúc đó...

Kỳ tới: Suy ngẫm ở “cung đường tử thần”

(Chuyện của anh T. - tài xế một cơ quan nhà nước, bạn tác giả)