Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 4: Suy ngẫm ở "cung đường tử thần"

Cập nhật lúc: 20:07 25/02/2018

https://tuoitre.vn/cuoc-doi-sau-tay-lai---ky-4-suy-ngam-o-cung-duong-tu-than-433919.htm

Cuộc đời sau tay lái - Kỳ 4: Suy ngẫm ở "cung đường tử thần"

18/04/2011 04:35 GMT+7

TT - Đời lái xe, tôi từng chứng kiến bao cảnh tai nạn giao thông thảm khốc. Những lúc như vậy hành khách trên xe đều ái ngại lảng nhìn chỗ khác. Người yếu vía thì xây xẩm mặt mày vì sợ khốn cảnh đó đến với mình. Bởi chỉ mấy phút trước, những nạn nhân nằm sõng soài dưới đường kia cũng ngồi trên xe như mình, cũng hướng tới điểm tham quan du lịch, thăm quê hương, họ hàng... với bao ước vọng sống tràn trề...

RtEHTDZ6.jpg

Tác giả, tài xế Trần Kiêm Hạ

Phía sau tai nạn

Tác giả loạt bài tạo được sự đồng cảm từ bạn đọc những ngày qua là anh Trần Kiêm Hạ, sinh năm 1956, có gần 30 năm trong nghề lái xe. Anh hiện là tài xế của một cơ quan báo chí tại TP.HCM.

Khi gửi bài viết này cho chúng tôi, tác giả kèm lời nhắn: “Là người trong cuộc, tôi từng rất trăn trở và muốn góp với xã hội một tiếng nói cảnh giác cho chính mình cùng đồng nghiệp rằng: hãy ráng giữ hạnh phúc của con người!”.

Đau thương đó chỉ do một chút bất cẩn, chủ quan của những tài xế xuôi ngược trên đường gây ra. Hành khách hiếm có quyền chọn mặt gửi vàng, bước lên xe là phó thác sinh mạng cho tài xế, người mà mình chẳng hề quen biết. Xui rủi gặp kẻ đê mê hút sách, rượu chè... là kẹt, bởi một kẻ không hiểu giá trị cuộc sống thì làm sao biết trân trọng hạnh phúc của người khác.

 

Cứ mỗi lần thấy người - xe hỗn độn phía trước, tôi lại cầu mong đừng có thương vong, máu đổ. Thời nay đường sá, phương tiện giao thông hiện đại bao nhiêu thì người tham gia giao thông càng chủ quan bấy nhiêu.

Hằng ngày đọc báo tôi luôn nhói lòng trước những thông tin về tai nạn giao thông. Trên chiếc xe gắn máy, đôi vợ chồng trẻ vừa đăng ký kết hôn đang bàn định ngày cưới. Họ dừng xe chờ đèn ở ngã tư, bất ngờ một chiếc ôtô tải phía sau mất thắng lao tới...

 

Hai cha con chở nhau trên chiếc xe đạp, hân hoan về nhà báo tin vui đỗ đại học của con. Qua ngã tư, rẽ phải, một chiếc xe du lịch từ đâu lao tới lộn vài vòng đè chết cả cha con. Một cô gái nghèo ngồi trên xe khách từ miền Tây lên TP.HCM, lòng như lửa đốt vì người cha đang nằm viện.

Xe khách vừa rẽ vô đường Nguyễn Văn Linh thì một chiếc xe tải chạy hướng ngược chiều bất thần lao qua dải phân cách, tông thẳng vào làm xe khách lật nhào, bẹp dúm. Cả đại gia đình gồm ông bà, cha mẹ, dâu rể, cháu chắt... vui vẻ dự đám cưới người thân trở về trên chiếc xe 16 chỗ. Ngang qua đường sắt, tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại không để tâm có tàu tới, vậy là tai họa hại cả đại gia đình...

Trên những “cung đường tử thần”

Giới tài xế gọi nơi thường xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc là “cung đường tử thần”. Mỗi lần đi qua đó, tôi hay dừng lại để thắp một nén nhang tưởng niệm người xấu số. Thường tôi hay chạy chậm lại để đảm bảo an toàn và cũng thử quan sát vì sao điều ấy đã xảy ra. Hầu hết các cung đường này có một điểm chung: đường tốt, rộng, có hoặc không có khúc cua che khuất tầm nhìn, chỉ giới giao thông rõ ràng, biển báo đầy đủ... Theo điều tra của cơ quan an toàn giao thông, phần lớn tai nạn do tài xế không chấp hành biển báo, đi sai chỉ giới, lấn tuyến, phóng nhanh vượt ẩu, thiếu kiểm tra phương tiện...

Tôi dừng xe gần chân đèo Lò Xo (xã Đắk Man, huyện Đắk Lei, tỉnh Kon Tum), nơi cướp đi sinh mạng của 28 cựu chiến binh vào ngày 21-4-2005. Chúng tôi xuống thắp hương tưởng nhớ các cụ, tâm tư ai cũng dâng lên niềm hoài cảm. Các cụ không chết vì bom đạn chiến tranh, vậy mà sau 30 năm hòa bình lại thiệt mạng vì sự bất cẩn của một tài xế!

Tôi quan sát toàn cảnh để đánh giá sự thể vụ tai nạn: đường đèo quanh co khá dốc, người tài xế ấy đã cố gắng điều khiển chiếc xe mất thắng qua được nhiều khúc quanh. Có lẽ trôi tự do với tốc độ cao nên khi gặp khúc ngoặt bên phải tương đối gấp, xe không ôm được cua mà theo đà lao thẳng xuống vực sâu phía trước.

Tôi tự hỏi mình sẽ xử lý ra sao nếu rơi vào trường hợp người tài xế ấy? Thật khó kiểm soát khi đã để xe trôi với tốc độ cao. Lúc ấy, tài xế phải tập trung cao độ để điều khiển xe đi đúng đường, vừa tránh xe ngược chiều lại vừa thao tác dồn số dừng xe. Nhưng trước đó vài giờ, nên nhớ rằng bất cứ người tài xế nào cũng có một cơ hội để kiểm tra phanh thắng trước phút khởi hành. Một chút hao dầu phanh hoặc hơi rò bất thường cũng phải tìm được nguyên nhân.

Tôi cho xe chạy chầm chậm trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là “cung đường tử thần” vì đã xảy ra hai vụ tai nạn tang thương trên một đoạn đường chỉ cách nhau nửa cây số. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 13-10-2006, nạn nhân là đoàn cán bộ phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM ra miền Trung cứu trợ bão lụt.

Vụ thứ hai xảy ra ngày 26-4-2007, nạn nhân là đoàn giáo viên huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đi tham quan. Cả hai vụ làm 16 người chết và 13 người bị thương. Tôi thắc mắc vì đây là đoạn đường tốt, rộng, vừa mới được nâng cấp, không bị che khuất tầm nhìn, có vạch chỉ giới giao thông đầy đủ. Nếu như phương tiện không bị sự cố, tài xế cho xe chạy đúng phần đường của mình, không phóng nhanh vượt ẩu, không đê mê vì chất kích thích thì sẽ khó xảy ra những tai nạn đáng tiếc ấy...

Không phải trò game

Xã hội thay đổi, tiền bạc nhiều hơn, phương tiện giao thông cũng hoàn toàn khác trước. Giờ đây các trường dạy lái xe luôn quá tải. Học phí vừa phải, thời gian học ngắn, bằng lái lấy dễ dàng, việc làm cũng không khó... nên phần đông lớp trẻ chọn nghề tài xế mưu sinh. Cá biệt, có cả người chọn nó để được là “yêng hùng”. Ở xóm tôi có một thanh niên nổi tiếng quậy phá, bỏ học, la cà tiệm Internet vừa nhận giấy phép lái xe mới tinh. Tôi hỏi sao chọn nghề này, cậu khoe: “Lái xe cũng thích thú như... chơi game!”. Tôi giật mình, thì ra với một số người lái xe chính là một trò game.

Không phải tất cả nhưng cách nghĩ ấy chính là một trong những nguyên nhân của việc đua tranh tốc độ, giành từng tấc lộ, cộc cằn thô lỗ, hành hung hành khách dọc đường. Người ta ngao ngán khi nhìn những tài xế lái xe trên đường phố đông đúc mà lạng lách như chỗ không người. Qua ngã ba, ngã tư không giảm ga, cố vượt đèn đỏ hoặc đèn giao thông chưa đổi tín hiệu đã bóp còi thúc giục inh ỏi.

Ngang nhiên sử dụng còi hơi trong thành phố khiến nhiều người đã bị thiệt mạng, thấy người đi đường vì tiếng còi của mình mà giật mình khiếp vía, loạng quạng tay lái thì lại cười khoái trá! Với người đi bộ qua đường, lái xe làm lơ như không thấy rồi cho xe đi sát rạt khiến họ sợ thót tim. Lúc trời mưa đường ngập thì cho xe chạy xé nước tung tóe làm người đi đường ướt ngập ngụa và lại... ung dung cười. Ban đêm thì lạnh lùng dùng đèn pha rọi thẳng vào người đi ngược chiều làm họ bị lóa mắt, loạng quạng...

Tôi nghĩ trong bất cứ thời đại nào, dù có sự đổi thay đến chóng mặt của phương tiện và kỹ thuật thì con người vẫn phải đi trên mặt đất. Xe cộ có thể được nâng cấp, hiện đại lên từng đời, qua từng ngày nhưng con người khi ngồi trước vôlăng vẫn phải chấp nhận quy luật cơ bản của giao thông và những giá trị sống.

Người ta làm hiện đại máy móc để con người thêm hạnh phúc. Và nhiệm vụ của con người là phải trân trọng hạnh phúc sống của chính bản thân mình. Lúc ấy họ mới biết trân trọng hạnh phúc của người bên cạnh...