Diễn đàn 'Đã uống rượu bia thì không lái xe': Chén rượu đánh đổi cuộc đời

Cập nhật lúc: 21:06 05/11/2018

https://tuoitre.vn/dien-dan-da-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe-chen-ruou-danh-doi-cuoc-doi-20181028095357622.htm

Diễn đàn 'Đã uống rượu bia thì không lái xe': Chén rượu đánh đổi cuộc đời

28/10/2018 11:11 GMT+7

TTO - Hai anh tài xế vì chén rượu, cốc bia đã trả cái giá quá đắt. Câu chuyện của hai đồng nghiệp đã theo tôi suốt đời lái xe, để cảnh báo mình nói không với rượu bia.

Diễn đàn Đã uống rượu bia thì không lái xe: Chén rượu đánh đổi cuộc đời - Ảnh 1.

Ôtô bốc cháy trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM sau khi tài xế say rượu tông chết người rồi bỏ chạy, kéo lê xe máy nạn nhân đến 4km (vụ việc xảy ra vào tháng 7-2016) - Ảnh: L.PHAN

Tôi ra thị xã Ba Đồn, Quảng Bình thăm đồng nghiệp không may vướng phải tai nạn. Tiếp tôi trong căn nhà cấp bốn, bạn tôi thều thào như để thanh minh sai lầm của mình: "Tại anh em mời quá chân tình, còn mình nghĩ đơn giản làm vài cốc cho vui thôi, nào ngờ...".

Thương tật, khánh kiệt vì chén rượu mời

Bằng giọng trầm buồn, S. kể: chiều thứ bảy đó, đáng lẽ được về nhà sớm như mọi lần thì phải chở hàng đến nhà máy gạch tuynen tận vùng sâu huyện Bố Trạch. Chiếc xe ì ạch qua bao đồi núi, đến nơi khi trời vừa tắt nắng. Công trình đang thi công nước rút, công nhân không ai được về, họ thường tổ chức hội rượu giải khuây. Xe S. vừa đến, họ xắn tay bốc hàng ngay. Xong việc, cả hội bày rượu, thịt trên những tấm ván khuôn đặt ngoài trời.

Những cái kéo tay thật chặt của anh em công nhân thân tình mời bác tài làm chén rượu cho ấm bụng; cảnh chiều đông giá lạnh, mùi rượu gạo và thịt nướng thơm lừng... S. tự nhủ: "Ừ, làm vài cốc kẻo mất lòng anh em, đừng để say là được"... Cơn mưa rừng ập đến cũng không cầm chân được người tài xế có thói quen về với mái ấm chiều thứ bảy. S. xin phép cạn nốt ly rồi lên xe nổ máy ra về.

Dù chỉ nhấp môi phá mồi nhưng gặp phải loại men rượu ngấm dần vào người như sóng ngầm, xe chạy một hồi thì đầu óc S. bắt đầu chếnh choáng. Càng về xuôi mưa càng nặng hạt. Đèn pha sáng trưng không giúp được S. nhìn rõ những con dốc ngoặt vùng đồi núi một bên là đồi, một bên là vực. S. phát hiện mình có hiện tượng nhầm lẫn giữa phanh và ga, đạp phanh mà sao xe càng lao nhanh xuống dốc! 

Trong màn đêm mưa gió, một khúc cua ngoặt xuất hiện trước mặt, S. đạp phanh nhưng chân không nhấc ra khỏi bàn ga, mà cứ thế nhấn ga... làm xe bay ào xuống dốc rồi không biết gì nữa...

Xe lao xuống sườn đồi sâu thẳm, nát cabin và đầu máy. S. bị gãy xương vai, chấn thương phổi nặng nằm giữa mưa rét suốt đêm, phải nằm viện cả năm trời. Không còn thu nhập lại mất tiền chữa bệnh, vợ S. phải nghỉ việc để chăm sóc chồng và hai con đang tuổi ăn tuổi học, gia đình lâm cảnh khánh kiệt.

Bằng giọng thều thào của người bệnh phổi mãn tính, S. nói: "Nghề gì sai lầm còn khắc phục, chứ nghề tài xế thì không. Đành thôi nghề". S. tự an ủi mình: "Cũng may mình làm mình chịu. Hôm ấy có mấy người xin quá giang về nhà nhưng tôi không cho, không thì...". Câu nói sau cùng của S. bị nghẹn lại.

Gây họa không chỉ cho mình

Chuyện xảy ra ở Quảng Trị. Hạnh mời chúng tôi liên hoan vì vừa nhận chiếc xe tải mới, lại còn được một chuyến công tác ra Hà Nội dài ngày với xe này. Hạnh "chủ xị", phấn khởi cụng ly hết người này đến người khác. Khi đã ngà ngà, người đi cùng anh đòi về nhà. Chiều bạn, anh chở cô rượt theo chiếc xe chuyến cuối vừa ngang qua trước đó 10 phút và hẹn với anh em: sẽ về nhậu tiếp!

Thấy anh loạng choạng khi mở cửa xe, một tài xế khác lên xe can ngăn. Ngăn không được, anh này đành ngồi theo xe để nhắc Hạnh lái xe cẩn thận. 

Xe mới, chạy không tải, Hạnh đạp ga như bay mà vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc xe mình đang đuổi theo. Qua căn cứ Ái Tử, đến quốc lộ 1, Hạnh rẽ trái về hướng Đông Hà. Tài xế ngồi bên cạnh nhắc nhở, Hạnh cũng nghe theo. 

Qua khúc cua Nhan Biều, khuất tầm nhìn bên phải, Hạnh không ôm cua mà... tay lái cứ đơ ra. Một chiếc xe khách đi hướng ngược lại, tài xế xe khách biết có xe đi ngược chiều lấn đường nên giảm hẳn tốc độ và bấm còi inh ỏi. Nhưng không kịp, va chạm khủng khiếp đã xảy ra.

Tiếng kêu la hoảng loạn của nạn nhân. Máu, đậu mè, ngô khoai... của bà con từ A Lưới về thăm quê dịp lễ 2-9 tràn ra đầy đường. Xác người chất lớp. Hai tài xế chết tại chỗ. Anh tài xế đi cùng Hạnh bị kính lái vỡ đâm vào mặt chằng chịt như tổ ong, anh sống để kể cho mọi người thời khắc kinh hồn.

Tôi muốn kể lại hai câu chuyện mình biết rõ. Chỉ mong những ai cầm lái hằng ngày cẩn trọng nói không với đồ uống có cồn vì sự an toàn của mình, của người khác.

Ớn lạnh với "vào 3 ra 7"

Mùng 3 tết năm đó, ba và chú tôi cùng đi chúc tết người bạn phương xa. Khuya, cả nhà lo lắng vì ba và chú chưa về. Giữa lúc hoang mang thì nhận được cuộc gọi từ số của ba, nhưng đầu dây bên kia là một giọng lạ, đầy hốt hoảng: "Anh ơi, tui thấy vụ té xe, một người thì chết rồi, một người đang thoi thóp". Mẹ tôi ngất xỉu khi nghe tin. Cả nhà nháo nhào chạy đến nơi xảy ra tai nạn.

Người thoi thóp là ba tôi, chú tôi đã tử nạn. Cả hai nồng nặc mùi rượu bia. Từ đó, niềm vui ngày tết biến thành nỗi đau buồn. Ba tôi được bác sĩ cứu sống. Sau này, khi mọi chuyện tạm lắng, ba tôi kể: cuộc nhậu của ba và những người bạn có lệ hễ ai về sớm thì phạt 7 ly. Ba và chú tôi đã ngà ngà say, xin kiếu về trước vì đường xa, mỗi người phải uống thêm 7 ly. Ba và chú vì quá say mà tự té xe. Ba tôi đã bỏ hẳn bia rượu.

Bản thân tôi cũng đã nhiều lần gây ra tai nạn giao thông, thậm chí suýt chết vì say. Và không ít lần trong số ấy cũng vì cái lệ "vào 3 ra 7" mà bạn bè tôi hay áp dụng. Tôi chưa bỏ được bia rượu như ba tôi, nhưng tôi hiểu rằng không nên liều lĩnh mà điều khiển xe ra về khi đã say. Giờ mỗi lần ai đó bắt phải "vào 3 ra 7", tôi từ chối và ra về ngay nếu họ phật ý. Tôi rùng mình khi nghe điệp khúc kiểu này. Tôi không muốn mình lặp lại sai lầm của ba tôi.

Hãy dẹp ngay suy nghĩ muôn thuở ép nhau uống kiểu "vào 3 ra 7".

TẠ TƯ VŨ

Diễn đàn “Đã uống rượu bia thì không lái xe” do báo Tuổi Trẻ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, với sự đồng hành của HEINEKEN Việt Nam. Diễn đàn tiếp tục nhận bài, ảnh của bạn đọc đến ngày 15-11-2018. Trân trọng.
TRẦN KIÊM HẠ