Giám sát thời gian lái xe vận tải ngăn tai nạn

Cập nhật lúc: 08:51 27/11/2024

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả quy định giới hạn thời gian làm việc của tài xế xe kinh doanh vận tải, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giám sát chặt qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Lái xe cần được nghỉ ngơi đầy đủ

Đầu năm 2024, liên tiếp hai vụ tài xế xe khách chạy tuyến Bình Thuận - TP.HCM khi đang điều khiển phương tiện thì co giật rồi tử vong trên buồng lái, nghi do bị đột quỵ. Trước đó, cũng đã xảy ra không ít vụ việc tương tự.

Theo quy định mới, thời gian lái xe của tài xế xe kinh doanh vận tải không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.

Theo quy định mới, thời gian lái xe của tài xế xe kinh doanh vận tải không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.

Hiện tại, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định: Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

Như vậy, luật mới đã bổ sung thời gian làm việc trong một tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.

Theo BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, giới hạn thời gian làm việc của tài xế không được quá 48 giờ/tuần không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của tài xế mà còn giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Bên cạnh sức khỏe thể chất, tâm lý của tài xế cũng bị ảnh hưởng khi phải lái xe liên tục mà không được nghỉ ngơi. Căng thẳng, lo âu, mệt mỏi... là tình trạng phổ biến khi tài xế phải duy trì sự tập trung trong thời gian dài.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, quy định giới hạn giờ làm việc với tài xế đã được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến, đem lại hiệu quả rõ rệt.

"Ở Việt Nam cũng vậy, lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có đơn vị chịu trách nhiệm giám sát vấn đề này", ông Tạo nói.

Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, hiện nay, việc quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Khi tài xế lên xe bắt đầu ca làm việc sẽ phải quét giấy phép lái xe vào thiết bị này để hệ thống ghi nhận và tính giờ làm việc. Khi đổi ca, tài xế mới thay cũng phải thực hiện thao tác này để ghi nhận việc đổi lái cũng như tính thời gian làm việc cho tài xế mới thay.

Tuy nhiên, trên thực tế quy trình quản lý này vẫn còn bất cập bởi không loại trừ khả năng tài xế dùng giấy phép của đồng nghiệp để quét khi đến thời gian giao ca nhưng thực chất không thực hiện việc đổi lái. Vì thế, trong các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, cần quy định chi tiết để có thể khắc phục được bất cập.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, hiện việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ VN.

Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các Sở GTVT địa phương để làm cơ sở xử lý.

Ngoài ra, doanh nghiệp vận tải cũng có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện và nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm.

Cần nhiều giải pháp

Theo ông Khương Kim Tạo, để thực hiện hiệu quả quy định giới hạn thời gian lái xe, cần nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho tài xế, chủ phương tiện về ý thức chấp hành pháp luật; ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc;

Xây dựng hệ thống quản lý nội bộ nghiêm ngặt để bảo đảm tài xế không bị ép buộc làm việc quá thời gian cho phép. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn đối với trường hợp vi phạm, cần thiết có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, tại Mỹ, tài xế chuyên chở hàng hóa chỉ được lái xe tối đa 11 tiếng sau quãng nghỉ 10 tiếng liên tục trước đó.

Tài xế chuyên chở hành khách chỉ được lái tối đa 10 tiếng sau quãng nghỉ 8 tiếng liên tục trước đó. Nếu bị phát hiện làm việc 60 tiếng trong một tuần, tài xế sẽ buộc phải nghỉ ngơi cho tới khi tích lũy đủ số giờ nghỉ để tiếp tục lái xe.

Quá trình kiểm tra ngẫu nhiên mà cảnh sát hoặc thanh tra phát hiện dấu hiệu sai phạm về giờ giấc làm việc, tài xế sẽ bị buộc phải nghỉ ngơi cho tới khi tích lũy đủ số giờ nghỉ để tiếp tục lái xe.

Nếu liên tục tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tiền, còn công ty thuê lái xe có thể bị giảm điểm xếp hạng đánh giá an toàn. Nếu điểm đánh giá an toàn bị đánh giá không đạt, công ty vận tải sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng kiểm soát chặt chẽ, khoa học hơn nữa đối với điều kiện đối với tài xế xe khách.

Trong đó, chú trọng điều kiện về sức khỏe lái xe, thời gian khám định kỳ, đột xuất cũng như quy định giới hạn khoảng độ tuổi đối với các tài xế xe khách một cách hợp lý, khoa học.

Nguồn: Báo Giao thông