Sững người khi học viên nói 'nhờ bạn lấy bằng lái'

Cập nhật lúc: 08:22 24/12/2018

https://tuoitre.vn/sung-nguoi-khi-hoc-vien-noi-nho-ban-lay-bang-lai-20181223075955739.htm

Sững người khi học viên nói 'nhờ bạn lấy bằng lái'

23/12/2018 10:57 GMT+7

TTO - Một anh vừa nhận giấy phép lái xe hạng B nhờ tôi kèm cặp thêm. Chân côn, tay số quá lóng ngóng, khởi động xe mấy lần đều tắt máy, không biết cho xe đi lùi vào nơi đậu xe, anh nói thật "đã nhờ thằng bạn lấy bằng lái".

Sững người khi học viên nói nhờ bạn lấy bằng lái - Ảnh 1.

Xe máy của người đi đường bị ôtô do tài xe nữ uống rượu tông trên đường trong vụ tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh, Bình Thạnh, TP.HCM đêm 21-10 - Ảnh: LÊ PHAN

Tuổi Trẻ đăng ý kiến phản hồi của bạn đọc - tài xế Trần Hào - về kỹ năng tài xế và thực tế cấp đổi giấy phép lái xe

Khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, người ta thường quy kết cho tài xế. Đành là vậy, nhưng đằng sau tài xế còn nhiều câu chuyện cần lưu tâm.

"Có bằng", rồi sao nữa?

Mấy mươi năm cầm lái mưu sinh, nhưng mỗi lần xe lăn bánh, tôi vẫn không thoát khỏi nỗi lo. Đường sá ngày càng chật chội, nhiều người đi đứng tùy tiện, người đi xe máy bất thần cúp cua, người đi bộ mặc nhiên băng qua đường trước đầu ôtô...

Đề phòng tai nạn chết người, trước tiên là chuyện từ cabin tài xế ôtô. Phải nói đến "bệnh thiếu ngủ" của các tài xế lái xe đường dài, chạy nhiều giờ liên tục không được nghỉ ngơi. Một số người đã uống rượu bia, cờ bạc, hút hít... để rồi người vật vờ sau tay lái. Kế đến là tật mải mê nói chuyện điện thoại khi lái xe, tâm tư bất ổn gây mất tập trung. Một thao tác không chuẩn của tài xế có thể gây tai nạn tức khắc.

 

 

Nhưng xem ra việc đào tạo nghề cầm sinh mạng người khác trong tay còn nhiều điều suy ngẫm. Nhiều nơi vẫn chiêu sinh kiểu "ghi danh là đậu", "bao đậu". 

Thực hư còn tùy cách làm từng nơi. Nhưng nhiều lần kèm cặp lại tay nghề cho tài xế mới có giấy phép lái xe, tôi thấy giấy phép lái xe chỉ là hợp thức hóa về mặt pháp lý, cái cần hơn là kỹ năng lái xe của nhiều người chưa đủ để an toàn ra đường.

Một anh vừa nhận giấy phép lái xe hạng B nhờ tôi kèm cặp thêm. Chân côn, tay số quá lóng ngóng, khởi động xe mấy lần đều tắt máy, không biết cho xe đi lùi vào nơi đậu xe, anh nói thật "đã nhờ thằng bạn lấy bằng lái". Tôi sững người! 

Rồi một anh khác, nếu tôi không kịp bẻ tay lái mấy lần, hẳn nhiều người đi đường bị vạ lây. Có người thậm chí không học lái xe ở đâu cả, nhờ tôi kèm lái và dự định "mua" giấy phép lái xe. Thực tế nhiều người vì mưu sinh đã ôm vôlăng khi chưa có chút kinh nghiệm nghề nghiệp nào. Đó là hiểm họa, nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn.

Theo tôi, bất kỳ ai khi đã ngồi sau tay lái ôtô, nếu yếu sức khỏe cũng gây nguy hiểm cho người khác. Và để sàng lọc người không đủ sức khỏe, trước đây cơ quan chức năng quy định cứ ba năm đổi bằng lái một lần, nay lại nâng lên 5 năm, loại bằng lái xe du lịch không chuyên thì 10 hoặc 15 năm mới đổi lại. 

Kỳ hạn đổi bằng dài hơn, nhiều nơi khám sức khỏe cho tài xế và học viên học lái như một dịch vụ "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".

Các nơi tôi đến đổi bằng lái đều có phòng khám sức khỏe. Họ bán cho tôi tờ giấy khám sức khỏe, bảo tôi tự điền thông tin cá nhân, chiều cao, cân nặng và dán ảnh vào đó. Bác sĩ khám hỏi tôi một chữ to nhất trên tấm bảng treo trước mặt để khám mắt với giọng thật nhỏ coi như kiểu khám... tai luôn. Vỏn vẹn một câu. Và các mục khác như tim mạch, phản xạ thần kinh... trên giấy khám của tôi đều đạt. Sự dễ dãi đáng suy ngẫm!

Giảm tai nạn: không chỉ từ người cầm lái

Tôi muốn nói đến trách nhiệm xã hội của người cầm lái, người sống bằng nghề lái xe khách hay lái xe nhà. Tai nạn giao thông không loại trừ ai, và mất mát của nạn nhân không thể bù đắp. 

Các bạn hãy yêu bản thân và quý trọng hạnh phúc gia đình mình. Đó là động lực thúc đẩy bạn luôn cố gắng không để vướng rắc rối dọc đường, không làm mất mát hạnh phúc của người khác; thức tỉnh lương tâm trước mỗi hành vi của mình khi ngồi sau tay lái.

Tài xế còn phải biết chăm sóc phương tiện, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm để phát hiện sớm nguồn nguy hiểm có thể đến với xe mình, biết từ chối những chuyến hàng chở quá tải, phương tiện thiếu an toàn... Ngoài ra, cần hiểu địa hình đường sá và thời tiết nơi mình sẽ đi qua, nếu thấy không an toàn thì dừng lại.

Ai thường lái xe ra đường cũng cần hiểu ranh giới sinh tử có khi chỉ là cái chớp mắt rủi ro. Cần kiềm chế tính nóng nảy, háo thắng, lái xe khi tỉnh táo nhất. 

Mong lực lượng giám sát an toàn giao thông, thanh tra giao thông, các trung tâm đăng kiểm, các trường dạy lái xe, cơ sở y tế khám sức khỏe cho tài xế... cần làm đúng chức năng được giao, cũng là cách góp phần kéo giảm tai nạn!

Thời nay, ôtô ngày càng hiện đại và dễ lái, nhiều người chủ quan mua xe rồi mới tìm cách kiếm tấm bằng lái. Họ không chịu bỏ thời gian học và luyện đầy đủ từ tay nghề đến đạo đức của người cầm lái. Họ vội cầm lái ra đường khi còn thiếu sự thấu hiểu chuyện phải lái xe bằng đôi tay, bằng mắt nhìn và cả trái tim.

Những “bác tài” chưa rèn luyện kỹ sẽ mất bình tĩnh khi gặp tình huống bất thình lình trước đầu xe mình. Họ luống cuống nhầm lẫn giữa phanh và ga. Tệ hơn, có người tay nghề yếu còn uống rượu bia vẫn ngang nhiên ngồi sau tay lái, đạp ga cho xe lao vút trên đường... và gây ra tai nạn thương tâm.

Phía trước tay lái là mạng người

 

tai nạn giao thông

Hiện trường vụ tai nạn nữ lái xe Lexus vào ngày 18-12 tại đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội) - Ảnh: HÀ THANH

Vừa thêm một vụ tài xế nữ lái ôtô gây tai nạn hàng loạt. Tài xế có nồng độ cồn quá mức cho phép, nghĩa là những người gây tai nạn này đã vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Đã có nhiều câu chuyện thương tâm, chia lìa sau tai nạn giao thông. Nhưng người ta dễ dàng quên ngay. Thói quen và sự chủ quan còn đó, nhiều người vẫn cầm lái ôtô khi không còn đủ tỉnh táo.

Tôi cũng từng bị xe tông gãy cả hai ống xương cẳng chân trái cách đây sáu năm, phải vào viện mổ bắt ốc vít cố định xương, tập vật lý để có thể đi đứng trở lại bình thường, rồi đến mổ lấy ốc vít ra... Tôi hiểu được hành trình năm tháng trong cảnh thương tật ấy quá sức kinh khủng.

May mắn tôi vẫn có thể làm việc sau tai nạn. Lần đó tôi đã bỏ qua cho người gây tai nạn vì gia cảnh anh khó khăn. Chỉ kịp dặn anh: sau này đừng chạy ẩu, nếu có rượu bia thì đừng lái xe.

Cuộc sống nhiều rủi ro hơn khi chúng ta chủ quan, gấp gáp, vội vàng. Chuyện lái xe, mong ai cũng luôn nhớ "phía trước tay lái là mạng người", phía sau mạng người đó còn bao nhiêu cuộc đời khác. Và an toàn lái xe là chuyện của chính người lái xe. Nghĩ vậy để biết sợ, để cẩn trọng vì mình, vì nhiều người. Xin đừng lái xe sau khi uống rượu bia!

TẤN KHÔI

Nữ tài xế xe Lexus có nồng độ cồn cao khi gây tai nạn liên hoànNữ tài xế xe Lexus có nồng độ cồn cao khi gây tai nạn liên hoàn

TTO - Nữ tài xế xe Lexus gây tai nạn liên hoàn trên phố Trích Sài (Hà Nội) khiến 6 người nhập viện tên Nguyễn Thu Trang, 29 tuổi, đã vi phạm nồng độ cồn ở mức trên 0,7 miligam/1 lít khí thở.

TRẦN HÀO
 
  •