Bắt 13 đối tượng nước ngoài dùng công nghệ để lừa đảo

Cập nhật lúc: 01:00 18/08/2010

Ngày 16.8, Tổng cục an ninh (Bộ Công an) đã công bố kết quả điều tra, mở rộng chuyên án triệt phá băng tội phạm người nước ngoài lừa đảo xảy ra tại TP Cần Thơ

 Theo đó, cơ quan an ninh đã bắt giữ 13 đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc đại lục về hành vi dùng công nghệ cao để lừa đảo.
 
Một trong các đối tượng lừa đảo bị bắt giữ - Ảnh do cơ quan an ninh cung cấp
 

Trước đó, ngày 13.8, Tổng cục an ninh phối hợp với Công an TP Cần Thơ khám xét căn nhà C13 đường 11, khu dân cư Nông thổ sản (Cái Răng, Cần Thơ). Tại đây, cơ quan an ninh bắt giữ 13 đối tượng (11 nam, 2 nữ) do Chen Wei Wen (người Đài Loan) cầm đầu, thu giữ toàn bộ phương tiện, thiết bị tin học của hệ thống công nghệ VoIL, máy tính xách tay, điện thoại bàn, máy bộ đàm và 50 kịch bản giả giọng “người nhà nước” để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trong quá trình thực hiện lệnh khám xét, các đối tượng đóng kín cửa cố thủ trong nhà. Công an TP Cần Thơ phải điều động cảnh sát đặc nhiệm phá cửa, đột kích từ mái nhà xuống mới vào được bên trong. Khi bị trinh sát khống chế, các đối tượng dùng bình hơi cay chống trả quyết liệt và tìm mọi cách tiêu hủy tài liệu, thiết bị nhưng không thành.

Theo cơ quan an ninh, các đối tượng trên nằm trong số khoảng 200 người nước ngoài đã vào VN để hoạt động lừa đảo. Qua xác minh, cơ quan an ninh phát hiện đây là nhóm “xã hội đen” người Trung Quốc đại lục, Đài Loan từng gây án trong nước và mới đây mở rộng “vòi bạch tuộc” sang Thái Lan, VN.

Tại VN, các đối tượng chia thành từng nhóm nhỏ thuê nhà, lắp đặt thiết bị viễn thông, thuê đường truyền Internet tốc độ cao kết nối với hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài. Từ đây, hệ thống sẽ được kết nối với hàng trăm điện thoại bàn, bộ đàm và sử dụng công nghệ điện thoại trên nền Internet đặt tại nơi cư trú. Nếu sử dụng một trong các máy điện thoại trên (đặt tại VN) cũng giống như đang sử dụng một điện thoại nội hạt ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục.

Từ hệ thống gọi tự động, các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, cảnh sát, tòa án... để gọi đến các số máy điện thoại của các nạn nhân đã được lập trình sẵn. Nạn nhân có khi nhận được cuộc gọi (giả) từ trụ sở cảnh sát thông báo đang điều tra một chuyên án có liên quan đến... tài khoản cá nhân.

Cuối cuộc đàm thoại là hướng dẫn nạn nhân “muốn biết thêm chi tiết” thì sẽ chuyển cuộc gọi (bấm số 9) đến cán bộ trực tiếp thụ lý vụ việc. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn, bấm nút kết nối chuyển cuộc gọi sẽ gặp “cán bộ điều tra” (thực chất là các đối tượng đang ngồi ở VN) để nghe thông báo tài khoản đã bị bọn tội phạm sử dụng để rửa tiền hoặc liên quan đến đường dây lừa đảo nào đó.

Nếu nạn nhân không chuyển hết số tiền đang có vào tài khoản của “công an” để được bảo vệ thì sẽ bị mất sạch. Để tạo niềm tin, các đối tượng dựng lên một không gian giống như văn phòng cơ quan công an có nhiều người làm việc bằng các khẩu ngữ “báo cáo đồng chí” hoặc trao đổi về một vụ án nào đó... Tin lời “cán bộ điều tra”, nhiều nạn nhân đã ra ngân hàng rút hết tiền và chuyển vào tài khoản của các đối tượng này.

Sau một thời gian trinh sát, trong các ngày 29.6 và 6.7, cơ quan an ninh đã triệt phá chín tụ điểm gây án của các băng nhóm tội phạm này, bắt giữ 116 đối tượng (88 người Đài Loan, 28 người Trung Quốc đại lục). Do gặp phải sự truy quét quyết liệt của công an VN, một số đối tượng chưa kịp gây án (đã lắp đặt xong thiết bị) vội vàng chuyển địa bàn hoạt động. Chen Wei Wen tập hợp 12 đối tượng khác về Cần Thơ thuê căn nhà khá biệt lập ở khu dân cư Nông thổ sản để lắp đặt thiết bị, chuẩn bị thực hiện kế hoạch “làm ăn lâu dài”. Tuy nhiên, nhóm tội phạm này chưa kịp gây án thì đã bị cơ quan an ninh phát hiện, bắt giữ.

. Theo TTO