Còn nhiều bí ẩn trong vụ tai nạn Sêrêpôk

Cập nhật lúc: 10:25 22/06/2012

Chiếc xe với trọng lượng cả chục tấn, dài hơn 10 mét như đã mọc cánh bay xuống sông.

Vụ tai nạn xe khách rơi xuống sông Sêrêpôk ngày 18/5/2012 có nhiều nguyên nhân đã được tính đến như: do tránh người, do tốc độ xe tăng bất thường, do nổ lốp trước bên phải v.v...nhưng cho đến hôm nay chưa có kết quả chính thức nào được công bố.

Là một tài xế chạy xe khách nhiều năm chạy tuyến đường này, chứng kiến rất nhiều tai nạn nhưng khi quan sát hiện trường vụ tai nạn này tôi cảm thấy có rất nhiều điều kỳ lạ và vô cùng khó hiểu.

Càng khó hiểu hơn khi có kết quả giám định cầu, đường và tình trạng kỹ thuật xe bị tai nạn tại cầu Sêrêpốk của tổ kiểm tra gồm đại diện các cơ quan như Sở Giao thông Vận tải Đăk Lăk và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới: không phát hiện lỗi kỹ thuật trước khi xe xảy ra tai nạn.

Tại hiện trường, mặt đường nhựa phẳng, không có bất kỳ một vết phanh, một vết chà xát, một vết va chạm của lốp, của thân vỏ xe với bề mặt cầu đường, với dải phân cách giới hạn đường bộ trước khi húc đổ 20 mét lan can cầu và rơi… Thật sự kỳ lạ, thật sự khó lý giải. Chiếc xe với trọng lượng cả chục tấn, dài hơn 10 mét như đã mọc cánh bay xuống sông.

Hai tài xế và nhân viên bán vé của chiếc xe đều thiệt mạng, mang theo bí mật về một vụ tai nạn kinh hoàng, không biết đến bao giờ người ta mới hết bàng hoàng về hình ảnh chiếc xe bẹp dí, về con số thương vong đã đạt đến cái ngưỡng kỷ lục 34 người chết, 21 người bị thương.

Tôi xin đưa ra những giả thuyết về nguyên nhân tai nạn này để chia sẻ cùng mọi người.

Về tốc độ tăng bất thường:

Thứ nhất, với loại xe khách cùng chủng loại chiếc xe bị nạn, từ 42 km/h lên 70 chứ 90 km/h cũng không có gì là bất ngờ (có thể làm thực nghiệm tại chỗ).

Thứ 2, cũng có thể khi xe đã ngã, bánh xe chủ động không còn tiếp đất và trong vài giây rơi tự do. Tài xế sẽ co, giật, đạp, gồng… theo cảm tính và bản năng sống, chống lại rơi xuống bằng cách đạp lên.

Hoặc phát hiện xe đã ra khỏi tầm kiểm soát và bay ra ngoài thành cầu với tư thế nghiêng, tài xế sẽ lấy lái (cho dù không còn tác dụng) và đạp ga cố dìu cho chiếc xe rơi và tiếp đất ở phương thẳng đứng, sẽ đỡ tổn thất hơn rơi nghiêng và rơi lộn ngửa. Tuy tính toán của tài xế không như ý muốn nhưng đây là nguyên nhân khiến tốc độ tăng đột biến.

Giả thuyết tránh xe ngược chiều hay đối tượng trộm chó lao vào đầu xe:

Tài xế nhanh chóng giảm tốc độ, tấp sát vào lề đường đến mức có thể và cuối cùng là phanh tay đứng yên tại chỗ. Xe ngược chiều muốn tông đâu thì tông.

Đối với các trường hợp tự tử, hay lao thẳng vào xe, phản xạ tránh người theo bản năng sẽ xảy ra. Nếu né thì xe rơi xuống sông nguy hiểm đến rất nhiều người. Tài xế sẽ chọn rất nhanh: đối tượng lao vào đầu xe phải “hy sinh”.

Khi đó tài xế chân vẫn đạp phanh nhưng không phanh; tay sẽ lái nhưng không lái, hoặc có cũng là nhích qua và trả lại ở một cung rất nhỏ, không để xe chao đảo.

Giả thuyết chiếc xe bị tai nạn do nổ lốp:

Hoàn toàn có thể chấp nhận, nếu trả lời được những khúc mắc dưới đây.

Lốp trước bên phải hết hơi, phát hiện có hai lỗ thủng lớn. Nhưng nổ ở thời điểm nào và vì sao? Trong khi tất cả các nhân chứng và người dân xung quanh nơi xảy ra tai nạn không ai đề cập tới chi tiết này.

Lốp bố kẽm rất tốt, nếu lao vào mố cầu sẽ nổ như một trái bom. Như vậy ít nhất phải có hai tiếng nổ lớn: Tiếng nổ lốp và tiếng động do trọng lực chiếc xe rơi xuống ở độ cao 20 mét. (việc hất đổ lan can cầu vốn dĩ mỏng manh không thể là nguyên nhân gây nổ lốp).

Một điều nữa đó là tại sao lại có đến hai lỗ thủng lớn trên mặt lốp? Một quả bóng đem chèn, ép một lực lớn và bất ngờ sẽ nổ và thường chỉ để lại một vết rách ở điểm yếu nhất, vậy lỗ thủng thứ 2 do đâu mà ra?

Giả thiết tài xế buồn ngủ:

Có một điều rất khó lý giải như đã trình bày ở trên. Các gờ nổi bê tông sơn sọc đỏ trắng, cao 40 cm, rộng 30 cm (dải phân cách cố định giới hạn phần đường xe chạy) là chướng ngại vật không nhỏ, vậy chiếc xe như có cánh bay qua dải phân cách này không để lại dấu vết là một câu hỏi lớn. Có thể tài xế buồn ngủ, chiếc xe đã lạc tay lái và đi vào khoảng giữa giải phân cách, xô đổ lan can và bật ngửa…?

Dải phân cách trên cầu còn nguyên vẹn

Một nguyên nhân nữa mà nếu đúng thì dám chắc rằng mọi sự điều tra, kết luận của máy móc, con người cho dẫu hiện đại cỡ nào cũng "bó tay", đó là "điểm rơi vô thức".

Nghĩa là trong một ngày, với bất kỳ một người nào sẽ có một khoảng thời gian không kiểm soát được mình.

Hoặc có thể là chứng ảo giác, thường rơi vào các tài xế đường dài, mất ngủ quá nhiều, trí não mệt mỏi dễ sinh ra ảo giác.

Có tài xế đang chạy bình thường bỗng thấy bóng trắng lao vào xe mình và phản xạ bản năng là giật mình đánh lái. Những trường hợp này nếu còn sống thì chỉ tài xế biết. Nếu chết thì bí mật mãi mãi đem theo xuống mồ.

Một giả thuyết nữa: Chiếc xe đã rơi cắm đầu xuống, lốp trước bên phải là điểm tiếp xúc đầu tiên với mặt sông đầy đá (lúc đó thủy điện chưa xả nước). Lốp nổ ngay khi tiếp đất.

Chính chỗ này khiến dí trước (cầu trước) bị gãy rời và 2 bánh trước mỗi nơi mỗi cái. Chưa hết, trọng lượng chiếc xe lao xuống đồng nghĩa sẽ có một phản lực và lực quán tính tiếp tục hất chiếc xe ngã ngửa khiến phần trước chiếc xe bị bẹp hơn phần sau…

Mọi giả thuyết, mọi kết luận bây giờ chỉ mang tính tương đối, không thể áp đặt bởi thực tế nguyên nhân dẫn đến tai nạn là vô cùng và không thể lường hết. Tất cả đều có thể xảy ra cho dù chỉ là rất nhỏ.

Ví dụ: tài xế mới mua dép mới, giày mới đế to hơn thường lệ dẫn đến trường hợp kẹt chân ga; Chân côn bị trượt do dép ướt, sàn xe ướt; Kẹt thước ga khiến ga luôn ở thế cực đại…khiến chiếc xe bị nạn.

Như đã nói ở trên, một chiếc xe to lớn như vậy trước khi trượt, ngã, rơi…đều phải để lại rất nhiều dấu vết va chạm, cày xới, chà xát, đổ vỡ… trên mặt đường. Nhưng trường hợp của chiếc xe này có lẽ có một không hai và đâu là nguyên nhân vẫn là một điều bí ẩn.

Trương Nhất Vương