Đề xuất tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt tù đối với lái xe uống rượu bia, sử dụng ma túy kể cả chưa gây ra TNGT

Cập nhật lúc: 20:42 04/08/2019

https://baomoi.com/de-xuat-tuoc-giay-phep-lai-xe-vinh-vien-phat-tu-doi-voi-lai-xe-uong-ruou-bia-su-dung-ma-tuy-ke-ca-chua-gay-ra-tngt/c/31711941.epi

Đề xuất tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt tù đối với lái xe uống rượu bia, sử dụng ma túy kể cả chưa gây ra TNGT

Đó là ý kiến được nêu ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I năm 2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vừa qua.

Say xỉn gây va chạm rồi bỏ chạy là hành vi phạm pháp

Đông đảo bạn đọc và dư luận cho rằng thái độ, ngông cuồng coi thường tính mạng và tài sản của người khác, cũng như coi thường pháp luật của người lái xe mang biển kiểm soát 30F – 654.89 nêu trên cần phải được xử lý nghiêm để làm gương cho những người tham gia giao thông khác.

Tài xế lái xe BKS 30F 654.89 nghi vấn say rượu

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong trường hợp trên, người điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát 30F – 654.89, dù say rượu hay không nhưng đã gây ra va chạm với phương tiện khác, chẳng những không có thương lượng khắc phục, lại tiếp tục cố ý xô vào người khác lần thứ hai, rồi bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải truy tìm và xử lý nghiêm đối tượng trên để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật và nêu gương giáo dục cho người tham gia giao thông khác.

Việc làm của người điều khiển giao phương tiện giao thông trên đã đi ngược lại lời kêu gọi của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia: “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

"Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người"

Thời gian vừa qua, xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, làm chết nhiều người mà nguyên nhân chính do lái xe ô-tô say xỉn. Dư luận đòi hỏi cần có chế tài xử phạt các đối tượng say xỉn cầm lái nghiêm khắc, đủ sức răn đe, nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, theo thống kê, có ít nhất 40% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia. Nguyên nhân của TNGT do vi phạm nồng độ cồn tại nước ta còn chiếm tỷ lệ cao do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa của người dân về uống rượu bia đã tồn tại từ lâu. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác giáo dục, tuyên truyền còn thấp, chưa phát huy tốt vai trò nêu gương thực hiện quy định “đã uống rượu bia không lái xe” của cán bộ, đảng viên; công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế.

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong quý I vừa qua, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người, giảm lần lượt 644 vụ, 244 người và 486 người so cùng kỳ. Nhưng phân tích nguyên nhân gây TNGT gần 1.500 vụ, TNGT do lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (hơn 270 vụ). Tỷ lệ này cho thấy, người uống rượu bia thiếu tỉnh táo vẫn cầm vô-lăng đang là thực trạng hết sức đáng báo động, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn chỉ 0,05mg/l khí thở đã khiến giảm sút năng lực phản xạ từ 10% đến 30% và bị kích động nhẹ; chạy xe tốc độ cao vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, dễ gây buồn ngủ.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vừa qua, rất nhiều ý kiến các bộ, ngành, địa phương đã yêu cầu sửa đổi một số quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích đang là vấn đề rất đáng lo ngại, trong khi việc kiểm tra, phát hiện xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông. Hoạt động khám sức khỏe tập trung bắt buộc do ngành giao thông vận tải, y tế thực hiện tỷ lệ thấp so thực tế; vai trò chủ động ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải vẫn còn rất hạn chế.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi Lễ phát động đi bộ, lan tỏa thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe" ngày 12/5/2019; Ảnh Congluan.vn

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm rà soát lại hành lang pháp lý để bổ sung chế tài. Phải xử lý nghiêm đối với nhà xe vi phạm, các lái xe sử dụng ma túy, uống rượu bia khi tham gia giao thông. Cần nghiên cứu sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe đối với các phương tiện sở hữu chính chủ. Nếu phương tiện thuộc trách nhiệm của các nhà xe thì cần tính toán, bổ sung hành lang pháp lý theo hướng xử phạt nhà xe để lái xe không đủ điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện.

Phát biểu tại buổi Lễ phát động đi bộ, lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe” ngày 12/5/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh, đảm bảo trật tự ATGT được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta vẫn đã và đang phải chứng kiến hàng ngày, hàng giờ, những chiếc “xe điên” do tài xế say xỉn điều khiển, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, khiến bao gia đình trở thành bất hạnh.

Để ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi bất hạnh mà TNGT gây ra, đặc biệt là những tai nạn do lái xe uống rượu bia, Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tại Việt Nam cùng thực hiện một hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Có thể thấy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền là cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng ở đó vẫn chưa thể kiềm chế, ngăn chặn triệt để những vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu bia. Do một số quy định, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, một số người thiếu nghiêm túc tuân thủ pháp luật, tỏ ra “nhờn luật”, chưa được đào tạo kỹ lưỡng vẫn cầm lái, ý thức văn hóa giao thông kém. Vì vậy, cần triển khai việc xử lý vi phạm nghiêm khắc, không có bất cứ trường hợp nào ngoại lệ.

Sau vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại hầm Kim Liên đêm 1-5, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đã viết thông điệp: “Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người” trên mạng xã hội và được nhiều người quan tâm. Theo thông tin cơ bản về người lái xe gây ra tai nạn, đó là một người tốt, nhưng sau khi uống rượu, lái xe gây tai nạn chết người, thì người tốt ấy đã trở thành kẻ giết người. Tôi muốn dùng từ “giết người” trong trường hợp này. Vụ tai nạn này chính là “giọt nước tràn ly”, tôi đã kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội thay đổi avatar “Đã uống rượu bia, không lái xe” trong vòng một tuần với kỳ vọng làm thay đổi nhận thức, hành vi, ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc.

Đồng tình với quan điểm của ông Hùng, trên các cộng đồng mạng xã hội, đông đảo người dân bày tỏ quan điểm: “Đã uống rượu bia, không lái xe”, “Uống rượu bia lái xe, một người tốt dễ trở thành kẻ giết người”. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý kiên quyết hơn, như tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt tù đối với những trường hợp uống rượu bia, sử dụng ma túy kể cả chưa gây ra TNGT.

QT

Khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa được Quốc hội thông qua lại quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy ở văn bản luật lần này, phạm vi vi phạm đã được mở rộng, nghiêm cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe ô tô, xe máy, xe mô tô, xe máy điện. Đây được coi là quyết định sáng suốt và hợp lý, giúp ngăn chặn những vụ tai nạn nghiêm trọng do người lái xe sử dụng rượu bia gây ra. Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức được thông qua, bao gồm 7 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.