Giúp người tai nạn giao thông thế nào để không bị vạ lây?

Cập nhật lúc: 15:11 16/09/2017

https://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/dien-dan/giup-nguoi-tai-nan-giao-thong-the-nao-de-khong-bi-va-lay-3638827.html

 

Giúp người tai nạn giao thông thế nào để không bị vạ lây?

Không nên làm ngơ, giúp người bị nạn nếu có thể và giúp làm sao để ít phiền toái đến mình.

 

 

Khi tham gia giao thông, ai cũng sẽ gặp tình huống “tai nạn” trên đường. Nó có thể xảy ra với bản thân mình, người thân hay với một ai đó. Vì thế, không nên làm ngơ, vô cảm với người bị nạn mà hãy giúp đỡ họ, dù có thể sẽ gây phiền toái cho mình.

Như vậy có ít nhất hai vấn đề cần xử lý: giúp người bị nạn và làm sao ít phiền toái với mình nhất.

- Nếu thấy người bị nạn đã có người giúp và bản thân mình cũng không thể góp sức gì thêm thì nên di chuyển tiếp để tránh ùn tắc, không nên tò mò, hiếu kỳ dừng xe chỉ để biết thông tin.

- Nếu thấy người bị nạn đã có người giúp và bản thân mình cũng có thể góp sức như đưa người bị nạn lên xe, quản lý tài sản của họ, chở người bị nạn đến bệnh viện... thì nên cùng tham gia, mỗi người một tay.

- Nếu thấy người bị nạn nằm trên đường, người gây tai nạn đã bỏ chạy, chưa có ai đến giúp thì lúc này họ đang rất cần mình, mình sẽ giúp trong khả năng và an toàn nhất cho người bị nạn cũng như bản thân, tránh trường hợp giúp người lại bị vạ lây. Khi thấy người bị nạn thì tìm chỗ đậu xe an toàn (dừng xe vào lề, khóa xe...), nếu đi ôtô thì có thể dừng trước người bị nạn nếu thuận chiều, cách một khoảng hợp lý (khoảng 10 mét), mở đèn khẩn cấp để các xe phía sau biết và tránh.

Việc đầu tiên trước khi tiếp cận nạn nhân là gọi cấp cứu 115, gọi cảnh sát 113. Sau đó dùng điện thoại chụp hoặc quay phim khi tiếp cận nạn nhân (nếu có người đi cùng thì nhờ họ chụp hình, quay phim giúp).

Hô hào những người đi đường dừng lại cùng giúp họ, khi có đồng minh thì cùng tiếp cận nạn nhân. Khi tiếp cận tránh làm xáo trộn hiện trường, kiểm tra nạn nhân còn thở hay không. Nếu ngừng thở thì không được làm bất cứ việc gì tiếp theo, chờ công an đến xử lý. Nếu còn thở thì xem nạn nhân có bị chảy máu không, nếu có chảy máu thì xử lý cầm máu.

Kiểm tra nạn nhân còn tỉnh hay hôn mê. Nếu còn tỉnh thì hỏi họ xem sức khỏe thế nào, đau ở đâu, chấn thương nội hay ngoại, nếu họ có thể di chuyển được chỉ cần trợ giúp thì đưa họ vào lề đường nằm nghỉ hoặc nhờ các xe đi về hướng bệnh viện gần nhất để chuyển họ đi cấp cứu. Nếu nạn nhân hôn mê thì chờ xe cấp cứu vì bạn sẽ không biết tình trạng của họ thế nào, có thể chấn thương não hoặc cột sống, di chuyển sẽ rất nguy hiểm.

Độc giả Minh Đỗ

 

 

Xem thêm: