Lập lại trật tự giao thông bằng cưỡng bức, xử phạt

Cập nhật lúc: 20:31 15/01/2013

Giải pháp để giảm ùn tắc hiện nay là phải “cưỡng bức”, buộc người tham gia giao thông đi vào khuôn khổ.

 

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng kẹt xe, ùn tắc, tai nạn giao thông đang rất nóng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Có rất nhiều giải pháp đã đưa ra nhưng theo tôi “phải cưỡng bức giao thông” tình trạng trên mới giảm.

Thập kỷ 80 của thế kỷ trước một huyện chỉ có một cửa hàng mậu dịch, ngày ngày dân khắp nơi đổ về và chen nhau cái ô cửa sổ bán tem phiếu, vừa cắt xén, vừa cân đo đong đếm…chỉ có một cái ô cửa nhỏ, giờ ngoái đầu chiêm nghiệm những kỉ niệm vượt khó của một thời mà lòng không khỏi tự hào…

Giao thông Việt Nam đến giờ phút này không thể ví với cái ô cửa, cửa hàng mậu dịch ngày xưa. Bởi nó các đại lộ “nghênh ngang ta bước”, các đại lộ “nghênh ngang” xe đi. Về cơ bản, đường đã được phân làn, kẻ vạch. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao nên tình trạng lộn xộn về giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, giải pháp hiện nay là phải “cưỡng bức”, buộc người tham gia giao thông đi vào khuôn khổ.

Cần đưa người tham gia giao thông vào khuôn khổ (Ảnh minh họa)
Nếu không giải quyết được khâu này thì tất cả các quyết sách của Bộ Trưởng GTVT sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn… Việc áp dụng “cưỡng bức giao thông” trước mắt sẽ là tiền đề cho những quyết định dài hơi nhằm cải tiến ý thức hệ.

Bài toán giải quyết ùn tắc giao thông tạm thời, trước mắt ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh nên áp dụng cách cổ điển này: “xe đi trước, đi trước, xe đi sau, đi sau”… Nghĩa là đường đã có vạch phân làn, tuyến cho từng loại xe nên dùng vạch liền nét cấm tuyệt đối các xe vượt nhau. Thực tế hiện nay vạch phân làn , tuyến thường dùng vạch không liền nét, chính từ chỗ này các xe lợi dụng mạnh ai nấy vượt nên hỗn loạn, ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

Tiếp đến phần đường dành cho xe thô sơ, tuỳ theo bề rộng thực tế ở mỗi cung đoạn; nên kẻ vạch chia (cũng là vạch liền- cấm vượt) 1,2,3,…xe thô sơ, xe máy đi trên số vạch tương ứng, buộc các xe xếp hàng nối đuôi nhau.

Tiếp nữa là có hệ thống đèn xanh đỏ, dây chuyền. Nghĩa là từ ngã tư đèn xanh, đỏ đầu tiên, thụt lui về sau cứ khoảng 50 m treo một đèn xanh, đỏ báo đi và báo dừng theo hệ thống đèn chính. Chỉ cần 3 đến bốn điểm cố định đèn phụ như vậy góp phần hạ nhiệt từ xa, để những người đang di chuyển phía sau cùng lúc biết phía trước đang đèn đỏ và đồng loạt dừng lại. Xe nào vi phạm sẽ phạt. Tập cho người tham gia giao thông có ý thức xếp hàng và nhường nhịn bằng cách cưỡng bức kiểu này lâu dần thành nếp, nếu khả thi có thể từng bước nhân rộng.

Để thể hiện quyết tâm, và tính hiệu quả, đề nghị phổ biến, tuyên truyền, mức phạt cụ thể cho từng lỗi, cho quảng bá rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán pa nô, áp phích để người dân không bị bất ngờ. Tất cả phải tổ chức tuyên truyền, thực hiện ít nhất một tháng trước khi vào đợt cao điểm.
Theo Bạn đường