Nghị định 71 của Chính phủ: Tăng mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông

Cập nhật lúc: 05:15 09/10/2012

Ngày 19/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP

 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2010) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”. Nghị định 71 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012.

Theo quy định của Nghị định 71, nhiều lỗi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ sẽ được nâng mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 34. Nghị định 71 sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ tăng cường công tác giáo dục răn đe vi phạm, tác động mạnh mẽ đến ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

 

 
Quy định của Nghị định 71: Lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ như thế này
sẽ bị phạt nặng và buộc phải tháo dỡ di dời ngay. (Ảnh chụp trên tuyến Quốc lộ 63,
khu vực chợ Tà Phến, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình).
Nhiều điểm mới

Chỉnh sửa, bổ sung 19 điều của Chương 2, Nghị định 34, Nghị định 71 có nhiều điểm mới về quy định xử phạt hành chính.

Điển hình như, người lái ô-tô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng khi bị phát hiện có uống rượu bia, bị phạt 8-10 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/lít khí thở. Nếu có nồng độ cồn cao hơn sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.


Ngoài việc bị phạt tiền, người lái ô-tô uống rượu bia còn bị phạt bổ sung: tước giấy phép lái xe (GPLX) 60 ngày nếu nồng độ cồn cao hoặc tước GPLX không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng.

Phạt tiền 600.000-800.000 đồng đối với các hành vi: chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ, dừng xe, đậu xe tại vị trí bên trái đường một chiều, trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng đậu, nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5 m tính từ mép đường giao nhau…

Điều khiển ô-tô chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều... sẽ bị phạt từ 800.000-1.200.000 đồng. Nếu lái ô-tô quá tốc độ 10-20 km/giờ, vượt trong các trường hợp cấm vượt, không có báo hiệu trước khi vượt… sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền 8-10 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây TNGT. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng GPLX 60 ngày.

Đối với người điều khiển mô-tô, xe gắn máy nếu có nồng độ cồn vượt quá quy định thì bị phạt tiền từ 500.000-3.000.000 đồng (tùy theo mức độ).

Nghị định 71 cũng quy định rõ đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vi phạm trong khu vực nội ô cũng sẽ bị phạt tiền từ 300.000-800.000 đồng (cao gấp 1,5 lần so với quy định xử phạt tại Nghị định 34); với các lỗi: dừng xe, đậu xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông... mức phạt cao nhất từ 15-25 triệu đồng.

Đồng thời, tước GPLX không thời hạn cũng sẽ được quy định áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, hoặc chống người thi hành công vụ.

Nghị định kịp thời

9 tháng năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ TNGT, làm chết 23 người và bị thương 51 người, giảm về số vụ, số người chết, nhưng số người bị thương lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông xử phạt hành chính hơn 57 trường hợp, tước và tịch thu hơn 2.700 GPLX, tạm giữ hơn 9.000 phương tiện...

Song, số vụ va chạm giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra cao với 287 vụ, làm bị thương nhẹ 455 người, hư hỏng hơn 500 phương tiện các loại. Đáng quan tâm là số vụ TNGT và người bị thương do TNGT đường bộ vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Trung tá Trần Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông hay TNGT. Nhưng nguyên nhân chính thì cũng chỉ quanh quẩn những lỗi chạy quá tốc độ, chuyển hướng, tránh vượt sai quy định...

Phần lớn các lỗi vi phạm đều là lỗi kép từ việc uống rượu, bia quá nồng độ khi lái xe, xuất phát từ ý thức trách nhiệm còn kém ở một bộ phận dân cư.

Vì vậy, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 là rất kịp thời. Bởi, nâng mức xử phạt hành chính là thể hiện sự kiên quyết trong giáo dục răn đe. Vi phạm trật tự ATGT ít đi thì TNGT cũng sẽ giảm, dừng./.

Bài và ảnh: Mỹ Pha