Nghìn lẻ bi hài chuyện học lái ôtô

Cập nhật lúc: 12:21 17/09/2018

https://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/nghin-le-bi-hai-chuyen-hoc-lai-oto-2079334.html

Nghìn lẻ bi hài chuyện học lái ôtô

Dân tình thường nhắn nhau, thấy xe tập lái thì liệu mà tránh xa; còn bản thân những người mới làm quen với vô-lăng lại sợ đủ thứ, từ một con bò đủng đỉnh ngang đường đến việc phải thi sát hạch tự động.

Nhu cầu học lái xe ngày càng nhiều, và tại một số trung tâm có uy tín, việc học viên nộp hồ sơ rồi chờ dăm bảy tháng mới đến lượt được gọi đi học là chuyện bình thường. Mỗi trung tâm có cách dạy khác nhau. Nơi chỉ dành cho các lực sĩ, theo lời của những học viên nữ, vốn rất sợ loại xe Uaz đã han gỉ, mà việc bẻ được cần số hoặc vần vô-lăng (không có trợ lực) là những bài tập thể lực thật sự. Nơi như Trung tâm dạy nghề của Học viện an ninh, Hà Nội, cho học viên tập lái cẩn thận trong sa hình và đường trường bằng xe van Daihatsu 8 chỗ, trước khi thi bằng xe 5 chỗ Daewoo Lanos. Có nơi Trung tâm đào tạo và kỹ thuật xe thuộc Bộ Giao thông vận tải lại cho học viên thực hành đi đường trường ngay với xe Nissan Bluebird.

Tập lái xe tại một trường dạy nghề. Ảnh: Lưu Đức.

Tập lái xe tại một trường dạy nghề. Ảnh: Lưu Đức.

Bi hài chuyện tập lái

Anh Hùng, học viên của một trung tâm ở Hà Nội, cho biết đã thành thói quen mỗi khi thực hành đi đường trường là luôn dùng tay trái đập uỳnh uỳnh vào cửa xe và thò cổ ra ngoài hò hét người đi xe máy, vì chiếc xe anh tập "cái gì cũng kêu, trừ cái còi". Ngoài ra, câu nói cửa miệng của anh là "tránh xa ra, làm như thằng này lái giỏi lắm à".

 

*Nở rộ dịch vụ cấp bằng để lái ôtô cũ
*Gắn trách nhiệm giữa trung tâm sát hạch với lái xe
Không phải vô cớ mà khi đi ngoài đường, hễ nhìn thấy xe đeo biển tập lái là mọi phương tiện dạt sang một bên nhường đường. Trưởng phòng kinh doanh một hãng xe lớn tại Việt Nam kể từng phải đi "giải cứu" cho vợ trong một tình huống khá khôi hài. Một buổi tập xe đường trường, vợ anh cùng một chị học viên khác được giảng viên kèm đi đến Hòa Lạc, Hà Tây, thì dừng lại ăn trưa. Không ngờ, thày gặp bạn, chén tạc chén thù đến mức lên xe là chui xuống ghế sau ngủ. Báo hại, hai người chưa ai thuộc số lùi phải nhờ nhân viên của quán đánh xe ra đường, sau đó liều lái thẳng về Hà Nội, cứ thế để số 5, đi thật chậm, bấm còi inh ỏi mỗi khi tới gần phương tiện khác hoặc ngã tư đèn đỏ. Chật vật về đến sân vận động Mỹ Đình thì đỗ bừa lại trước một hàng rửa xe, gửi luôn ông thày ở lại, còn mình thì gọi điện cho chồng đến đón.

Bản thân anh trưởng phòng nọ cũng gặp không ít chuyện buồn cười. Cũng trong một lần đi dã ngoại, anh cùng thày, đáng tuổi con, và vài học viên khác, dừng lại ăn trưa. Cả nhóm chưa ai từng lái xe nên nhường phần việc lùi xe vào quán cho anh, vốn phải đi học lại vì quên hạn đổi bằng. Để chứng tỏ, thày nhảy lên xe bảo để đấy tôi và lùi thẳng vào cây đu đủ. Kết quả là ngoài bữa trưa hôm đó, các trò còn phải móc túi đền cây đu đủ cho chủ nhà.

Một nhóm học viên khóa 137B1 của Học viện an ninh vẫn chưa quên một tình huống hú vía. Đang đi trên đường, trước mặt là một chiếc xe tải, thày bảo vượt. Thấy có xe đi ngược chiều, trò hỏi lại "Kịp không thày". Thày bảo "Kịp" và lập tức phải nhao người sang vồ lấy vô-lăng, giật mạnh sang phải, vừa vặn đưa chiếc Daihatsu đi vào khoảng giữa của hai xe tải chạy ngược chiều.

Sát hạch tự động, nhiều người sợ

Việc chấm điểm bằng vi tính đã được áp dụng từ lâu, nhưng khi thi các trung tâm vẫn bố trí một giám thị ngồi kèm trên xe với học viên. Trước khi thi, hầu hết các học viên đều bỏ túi một phong bì để lên xe bồi dưỡng thày. Tâm lý chung đều mong gặp giám thị thoải mái, nhắc nhở trước mỗi thao tác cho học viên. Thậm chí, có thày còn "đỡ" hộ học viên cái chân phanh khi đề-pa (khởi hành ngang dốc). Trên thực tế, hầu hết những người bị đánh trượt thực hành là ở giai đoạn này, hoặc do đỗ lấn vạch, hoặc do quá thời gian.

Còn có vô khối thủ thuật khi thi bằng lái. Chẳng hạn, khi làm bài lý thuyết luật giao thông thường mỗi học viên đều thuộc nằm lòng những mẹo như câu hỏi có 4 đáp án thì chọn 3... Mỗi chiếc xe thi đều có gắn một cảm biến ở trục trước và một ở trục sau, để đo xem xe đi đúng hay sai bằng cảm ứng từ. Vì vậy, khi thi trên sa hình, nếu thấy đèn đỏ trước mặt sắp bật, nhiều học viên chạy chậm lại hoặc dừng hẳn chờ đèn xanh. Nguyên do một khi đã đi vào vạch chấm điểm, máy tính đã ghi nhận, thì dừng xe non hay già một tí đều bị trừ điểm, luống cuống vượt đèn đỏ thì còn tệ hơn.  

Có bằng lái chưa phải đã hết chuyện. Dân mới lấy bằng thường rủ nhau vài ba ông chung tiền mua một "con xe ghẻ" để đi cho quen tay, lỡ có va quệt hay lùi vào cột đèn, gốc cây cũng không đến nỗi xót xa. Anh Trung, phóng viên một tờ báo kinh tế lớn, một hôm hứng chí rủ hai ông bạn cùng hội cùng thuyền đi Hải Phòng, vừa đi chơi, vừa luyện tay lái. Chẳng ngờ chiếc Lada "đời ơ kìa" trở chứng, chết máy tại Hải Dương. Thế là hai ông bạn thì bắt taxi ngược trở lại Hà Nội, còn Trung đành chịu trận đợi cứu hộ đến đưa xe về. "Vài lần như thế là đã ngang tiền cái xe", Trung than thở.

X.O.