Quản lý chặt từ khâu đào tạo

Cập nhật lúc: 14:16 07/03/2013

Hiện nay, cả nước có 296 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô thuộc các bộ, ngành, địa phương quản lý

Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô được đầu tư, đổi mới trang thiết bị dạy học, nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng, điều chỉnh dần phù hợp với thực tiễn và được áp dụng thống nhất trong toàn quốc; chất lượng bài giảng, chất lượng các bài kiểm tra ngày càng được tăng cường bằng việc đưa bài giảng điện tử vào giảng dạy và kiểm tra lý thuyết trên máy tính được cài đặt phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống trung tâm sát hạch lái xe được xây dựng và phát triển theo tiêu chuẩn, phù hợp quy hoạch, có lắp thiết bị chấm điểm tự động đã hạn chế tối đa sự tác động chủ quan của con người, đánh giá trung thực chất lượng sát hạch lái xe ô tô.

 

Ảnh minh họa


Theo thống kê, cả nước có 84 Trung tâm sát hạch lái xe, với 36 Trung tâm loại 1 (sát hạch thí sinh các hạng xe) và 48 Trung tâm loại 2 (sát hạch thí sinh đến hạng C). Bên cạnh đó, các cấp, các ngành có liên quan có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các Đề án nhằm đổi mới và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo và sát hạch lái xe.

Bộ GTVT có Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2012 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông” và đang thực hiện Đề án với những nội dung chính là điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng đào tạo lái xe bằng việc bổ sung quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ sở đào tạo, bổ sung giáo trình đào tạo lái xe ô tô và ban hành giáo trình đào tạo lái xe mô tô mới, bổ sung bộ câu hỏi dùng để sát hạch, bổ sung các trang thiết bị giám sát.

Song song Bộ GTVT đang triển khai thực hiện Dự án đổi mới GPLX và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, ngăn chặn làm GPLX giả, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về người lái xe để tạo thuận lợi cho người có GPLX được đổi khi đến hạn ở bất kỳ địa phương nào; phục vụ công tác tra cứu của lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, công tác trao đổi thông tin giữa ngành GTVT với ngành Công an.

Trong những năm qua, nhìn chung công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở nước ta đang thực hiện ngày càng chặt chẽ, theo hướng tăng cường trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch; thực hiện nối mạng quản lý giấy phép lái xe, xây dựng chế độ báo cáo định kỳ, truyền số liệu qua mạng về tình hình cấp, đổi GPLX của các địa phương trong toàn quốc; từng bước cải cách hành chính theo quy định và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó đã nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Tuy nhiên, việc đào tạo, cấp bằng, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn và quản lý người điều khiển các loại phương tiện giao thông còn sơ hở; hầu hết các cơ sở đào tạo chủ yếu mới chỉ coi trọng việc đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cho học viên mà chưa thực sự quan tâm giáo dục về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Để quản lý chặt chẽ từ khâu đào tạo, sắp tới các thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các cơ sở đào tạo sát hạch cấp GPLX, đặc biệt sẽ rút giấy phép đối với các cơ sở đào tạo không đủ tiêu chuẩn và kiến nghị rút giấy phép đối với các cơ sở để học viên của trường sau khi ra hành nghề gây TNGT nhiều.


Theo Giaothongvantai