Sẽ kiểm định các trường CĐ nghề, trung cấp nghề

Cập nhật lúc: 07:58 06/01/2010

PGS-TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết từ nay đến năm 2010, 50% số trường CĐ nghề, trung cấp nghề sẽ được kiểm định

Se kiem dinh cac truong CD nghe trung cap nghe
Học sinh Trường Công nhân Kỹ thuật Cần Thơ trong giờ học - Ảnh: Bích Kiên (Báo Cần Thơ)
PGS-TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết từ nay đến năm 2010, 50% số trường CĐ nghề, trung cấp nghề sẽ được kiểm định và công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trước thực tế cả nước có 1.915 cơ sở dạy nghề (trong đó có 1.218 cơ sở dạy nghề công lập, chiếm 64%) bao gồm 262 trường dạy nghề, 599 trung tâm dạy nghề, 251 trường ĐH, CĐ, TCCN và 803 cơ sở khác có dạy nghề; nhưng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn quá thiếu, song song đó, trình độ giáo viên còn hạn chế nên không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, vẫn còn khoảng 20% số phòng học và 30% số xưởng thực hành là nhà cấp 4; về trang thiết bị thì chỉ có khoảng 25% số trường được trang bị thiết bị mới ở mức độ công nghệ khá, tiên tiến, còn lại phần lớn các cơ sở dạy nghề mới chỉ được hỗ trợ trang thiết bị ở trình độ công nghệ trung bình hoặc các thiết bị phục vụ cho thực hành cơ bản.

Kỹ năng dạy học của một số giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là các trường thuộc các địa phương do mới thành lập nên đội ngũ còn mỏng và chưa có nhiều kinh nghiệm. Một bộ phận giáo viên dạy thực hành nghề nhưng chưa qua thực tế sản xuất, chưa được cập nhật kiến thức, kỹ năng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; vẫn còn 18,5% giáo viên đang giảng dạy chưa được bồi dưỡng về sư phạm kỹ thuật.

 

Từ nay đến năm 2010 sẽ tập trung đầu tư cho các trường ĐH sư phạm kỹ thuật hiện có; nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long thành Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long; phát triển thêm một đến hai trường CĐ sư phạm kỹ thuật ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; phát triển khoa Sư phạm Kỹ thuật ở một số trường CĐ, ĐH.

Ưu tiên đào tạo giáo viên dạy nghề cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung bộ.

Xây dựng trung tâm đào tạo, bồ dưỡng cán bộ quản lý dạy nghề; đến năm 2010 có 50% cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn; đến 2020 đạt 100%.

Theo PGS-TS Dương Đức Lân, dựa trên dự báo nhu cầu lao động có nghề của các bộ, ngành và các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt mạng lưới phát triển trường CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010.

Theo đó, đến năm 2010 sẽ có 90 trường CĐ nghề, 270 trường trung cấp nghề (trong đó có 40 trường chất lượng cao, 3 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới) và 750 trung tâm dạy nghề. Mỗi tỉnh, thành có ít nhất một trường trung cấp nghề hoặc trường CD nghề; mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất một trung tâm dạy nghề hoặc cụm huyện có trường trung cấp nghề.

Song song đó, theo Luật Giáo dục 2005, dạy nghề có sự thay đổi đáng kể , thay vì chỉ dạy nghề dài hạn và ngắn hạn thì nay sẽ chuyển sang dạy nghề theo ba cấp trình độ: CĐ nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Tổng cục Dạy nghề đề nghị các bộ, ngành và địa phương rà soát các trường dạy nghề hiện có để chuyển thành các trường Trung cấp nghề; trong đó những trường mạnh và đáp ứng được các tiêu chí xác định sẽ được nâng cấp thành trường CĐ nghề.

Ngoài ra, Tổng cục Dạy nghề sẽ tổ chức thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho ít nhất 20 nghề đến năm 2010 và 150 nghề đến năm 2020. Cũng đến năm 2020, tất cả cơ sở dạy nghề sẽ được kiểm định, công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng và có 250 trường CĐ nghề, 400 trường trung cấp nghề và 900 trung tâm dạy nghề (trong đó có 80 trường chất lượng cao, 10 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới).

QUỐC DŨNG