Siết chặt việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Cập nhật lúc: 11:58 28/06/2012

Rất cần siết chặt quản lý trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm,chất lượng đội ngũ thực thi công vụ cũng như người làm công tác đào tạo SHLX

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại hội nghị nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tổ chức hôm nay 1-6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng GTVT cho rằng, không thể đổ lỗi cho ý thức người dân, ý thức người lái xe, nếu chất lượng đào tạo chưa tốt, còn bớt thời gian học lý thuyết, thực hành. Nếu không kiểm tra, kiểm soát tốt, còn tiêu cực thì các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe còn bớt chương trình, bớt nội dung.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, ngành GTVT đang quản lý khoảng 28 triệu GPLX mô tô, hơn 3 triệu GPLX ô-tô. Các cơ sở đào tạo lái xe ô-tô được hình thành và phát triển mạnh theo hướng xã hội hoá. Cả nước hiện có 291 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô (trong đó có 35 cơ sở đủ điều kiện để đào tạo hạng FC) và 84 trung tâm sát hạch lái xe các loại, gồm: 36 trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng F) và 48 trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các thành phần kinh tế xây dựng.

Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX đã được Bộ GTVT phê duyệt sẽ bổ sung một số tiêu chuẩn về kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo, tập huấn lại đội ngũ giáo viên dạy lái xe, bổ sung các nội dung đào tạo liên quan như nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử,… nghiên cứu tăng số lượng câu hỏi từ 405 lên 450 câu, điều chỉnh quy trình sát hạch lái xe, bổ sung máy tính, camera, thiết bị giám sát…

Quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ được chỉnh sửa bổ sung nhiều nội dung mới như: Điều chỉnh cách tính lưu lượng đào tạo lái xe ô tô; quy định số lượng hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy phù hợp với các cơ sở đào tạo có lưu lượng hơn 1.000 học viên; điều chỉnh tăng số km học thực hành lái xe trên đường và số giờ học thực hành lái xe; bổ sung quy định thời gian, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2 sử dụng hộp số tự động; bổ sung quy định để các trung tâm sát hạch phải lắp camera và thiết bị để giám sát quãng đường và quá trình sát hạch lái xe trên đường,...

Tiêu chuẩn trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được điều chỉnh, chuyển đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ và bổ sung các nội dung sau: Quy định chi tiết khoảng cách hình giữa các bài sát hạch và hình của từng bài sát hạch; Bổ sung quy định nội dung sát hạch và hình của bài sát hạch ghép xe dọc vào nơi đỗ hạng FC theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008,...

Ngoài ra, GPLX mới sẽ chính thức được cấp phát, sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1-7 tới, được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có giá trị lưu hành tại tất cả các nước tham gia Hiệp định vận tải qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS),...

GPLX mới có những đặc điểm và ưu việt vượt trội so với mẫu GPLX hiện nay. GPLX mới được làm bằng chất liệu PET, kích thước nhỏ gọn, thiết kế theo tiêu chuẩn ICAO loại ID-1, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm độ bền cơ học, chịu ẩm, chịu nhiệt. Trên GPLX mới, ảnh của người lái xe được in trực tiếp, sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh. Các thông tin này được hiển thị dưới kính giải mã đơn giản và tiện dụng đối với lực lượng tuần tra kiểm soát.

Trên GPLX mới còn có hoa văn bảo mật và phôi chống làm giả. Chỉ sử dụng duy nhất một số GPLX cho người lái xe, ứng dụng chữ ký số để bảo mật ảnh chữ ký và con dấu của người phê duyệt cấp GPLX, nên sẽ hạn chế tới mức thấp nhất khả năng làm giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa.

Để quản lý GPLX mới, có 12 phần mềm được áp dụng thống nhất trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX, phần mềm cập nhật các vi phạm của người lái xe và hình thành cổng thông tin điện tử về GPLX toàn quốc. Cơ quan quản lý nhà nước về vận tải sẽ quản lý GPLX dễ dàng trên cơ sở dữ liệu tập trung, các Sở GTVT có thể nhanh chóng xác minh thông tin trong quá trình cấp GPLX. Người có GPLX cũng có thể được cấp, đổi GPLX mới ở bất cứ địa phương nào trên toàn quốc, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại.

Lực lượng Công an khi kiểm tra, có thể truy nhập, xác minh tính hợp pháp của GPLX thay vì phải có công văn đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT xác minh như hiện nay. Cơ sở dữ liệu quản lý GPLX mới cũng giúp thông tin đầy đủ về quá trình hành nghề của lái xe, giúp hỗ trợ điều tra, giải quyết vụ án TNGT.

Đến nay các công việc chuẩn bị cho việc cấp và quản lý GPLX mới đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Theo đó, giai đoạn đầu cấp GPLX mới sẽ áp dụng cho cho các trường hợp cấp mới, cấp đổi cho người có GPLX hết thời hạn sử dụng, cấp lại cho người có GPLX bị mất, hỏng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi GPLX không thời hạn gồm GPLX hạng A1, A2, A3 sang GPLX mới. Những người hiện có GPLX còn thời hạn được tiếp tục sử dụng theo hạn ghi trên GPLX.

MINH TRANG