Tài xế 3 lần viết thư gửi Bộ trưởng Thăng

Cập nhật lúc: 15:01 18/12/2014

http://giaothongvantai.com.vn/thethao-giaitri/trong-nuoc/201411/tai-xe-3-lan-viet-thu-gui-bo-truong-thang-563442/

 

Tài xế 3 lần viết thư gửi Bộ trưởng Thăng

Cập nhật, 08:47, Thứ Năm, 27/11/2014 (GMT+7)
Đừng để phải nói hai tiếng “Giá như” là nhan đề tuyển tập truyện ngắn, ký, phóng sự của tài xế Trương Nhất Vương do NXB Lao Động phát hành. Đây là người tài xế đã 3 lần viết tâm thư gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đằng sau những phóng sự, kí sự đi và gặp của người tài xế 20 năm cầm lái là những suy ngẫm, cảnh tỉnh cho mọi người khi ngồi sau tay lái.
Trương Nhất Vương viết những điều trái tim và trách nhiệm công dân thôi thúc (ảnh do nhân vật cung cấp)
Trương Nhất Vương viết những điều trái tim và trách nhiệm công dân thôi thúc(ảnh do nhân vật cung cấp)

Tài xế 4 lần nhận giải thưởng báo chí

Trương Nhất Vương sinh năm 1970, hiện anh là giáo viên dạy lái xe tại trường Trung cấp nghề VINASME Tây Nguyên. Trước đó, anh đã từng lái máy ủi, máy kéo, lái ô tô các loại. Tuy nhiên, chưa thấy tài xế chuyên nghiệp nào lại năng động khát khao, đa mang đến vậy: Kiện Giám đốc ra tòa và thắng kiện đòi lại được việc làm, thu nhập, lập blog tìm bạn bè bốn phương chia sẻ học hỏi, viết truyện ngắn, làm thơ tình nồng cháy...

Không những thế, người tài xế, giáo viên này còn tập chụp ảnh, viết báo giãi bày trải nghiệm sau tay lái cực nhọc mưu sinh, viết thư gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng... Trương Nhất Vương suy nghĩ rất đơn giản: “Chỉ cần một người nào đó đọc được, khắc trong đầu hai chữ “cẩn thận” và đừng để hai tiếng “giá như” phải cất lên thì mình đã làm được một việc có ý nghĩa trên đời rồi!”.

Thế rồi, bằng đam mê, chịu khó lăn lộn, Trương Nhất Vương đã trở thành một “cây viết” báo nghiệp dư. Nhiều bài viết, ý kiến của anh đã được đăng tải trên các tờ báo lớn. Anh cũng đã nhận bốn giải thưởng báo chí.
 
Viết thư, hiến kế cho ngành giao thông

Cuốn sách Đừng để phải nói hai tiếng “Giá như…” là tuyển tập những câu chuyện phản ánh hiện thực sống động của ngành Giao thông. Mỗi bài viết là một góc nhìn về những tài xế xe khách, xe buýt, xe tải, hay những vụ TNGT thảm khốc, chuyện xe chở quá tải, dải phân cách,... Tất cả đều được nhìn dưới con mắt tài xế Trương Nhất Vương, người đã có 20 năm cầm vô lăng. 
 
Năm 2011, trong cuộc thi “Văn hóa giao thông và ứng xử của bạn” Trương Nhất Vương đoạt giải Ba. Năm 2013, Cuộc thi báo chí tuyên truyền về ATGT, Trương Nhất Vương ba lần được xướng tên. Trong đó, bài viết Đừng để phải nói hai tiếng "giá như" trong nghề lái xe (Báo Dân trí), Khoảng lặng sau tay lái (Báo VOV) đoạt giải Khuyến khích. Bài Căn bệnh thường gặp của người lái xe đường dài (Báo Dân trí) đoạt giải Ba.

Những phóng sự, kí sự, truyện ngắn của anh chỉ đơn giản là những gì anh còn nhớ, hoặc nó gắn với cuộc đời lái xe, gắn với sinh mệnh của vợ chồng, con cái. Đó còn là những chuyến đi và gặp, những trải nghiệm đủ cả mồ hôi, nước mắt và cả máu. “Tôi mong muốn mỗi người khi ngồi trước tay lái phải thật cẩn thận, đừng để phải nói hai tiếng “giá như” hối tiếc... Vì vậy, tôi đã viết những điều tai nghe mắt thấy trên đường, những điều trái tim và trách nhiệm công dân thôi thúc”, Trương Nhất Vương chia sẻ.

Yêu nghề lái xe, yêu những cung đường, anh luôn trăn trở làm cách nào giảm bớt đi những vụ TNGT, bớt đi những sách nhiễu dọc đường để sau mỗi chuyến xe đi về đều mang lại niềm vui cho mọi người. Từ suy nghĩ ấy Trương Nhất Vương ba lần viết thư gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất phương án xây dựng, phát triển giao thông nước nhà. Mỗi bức thư là một kiến nghị, là một lời góp ý chân thành gửi tới Bộ trưởng.

Trương Nhất Vương còn có nhiều bài viết dự thi Hiến kế giao thông. Nào là đưa người giao thông vào khuôn khổ, lập lại giao thông bằng cưỡng bức, xử phạt, kiến nghị thay dải phân cách trên QL14 đoạn qua TP Buôn Ma Thuột, cho đến dùng công nghệ hiện đại để quản lý giao thông. Phân tích của anh là những góp ý chân thành cho các cơ quan chức năng về công tác quản lý cũng như phát triển ngành Giao thông. 
 
Bị hăm dọa nhưng vẫn không từ bỏ 

Để có những bài viết về các vấn đề thời sự nóng bỏng của ngành Giao thông, Trương Nhất Vương đã phải đối mặt với không ít khó khăn. “Đã có những lời hăm dọa, những tin nhắn nặc danh yêu cầu tôi không được viết về những tệ nạn trên đường nữa, nếu không, sẽ thế này, thế nọ... Nhưng tôi không sợ. Tôi nghĩ đơn giản: Chỉ khi nào máu người dân không còn đổ oan ức trên những cung đường. Chỉ đến khi nào tiền của người dân không bị sử dụng lãng phí hoặc có nguy cơ rơi vào tay bọn cơ hội thì khi đó tôi sẽ ngừng viết...”, Trương Nhất Vương tâm sự.
 
Nhật Trường - Minh Tuyền