Tăng mạnh mức phạt vi phạm giao thông

Cập nhật lúc: 10:33 11/09/2015

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150911/tang-manh-muc-phat-vi-pham-giao-thong/966969.html

 

Tăng mạnh mức phạt vi phạm giao thông

11/09/2015 08:07 GMT+7

TT - Theo dự thảo nghị định xử phạt đang được lấy ý kiến, ngoài tăng mạnh mức phạt, nhiều vi phạm trước đây chưa quy định rõ mức phạt thì tới đây sẽ bị xử nghiêm.

Theo dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, việc dùng điện thoại khi lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng - Ảnh: T.T.D.
Theo dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, việc dùng điện thoại khi lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng - Ảnh: T.T.D.

Theo dự thảo nghị định thay thế nghị định số 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt tăng nặng, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với mức cũ.

Ngoài việc tăng mức phạt, theo 
dự thảo, một số hành vi vi phạm khác trước đây chưa được chú trọng 
xử phạt hiện nay sẽ được áp 
dụng nghiêm.

“Alô” khi lái xe, phạt 600.000 - 800.000 đồng

Đơn cử như dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt 800.000-1,2 triệu đồng.

Dự thảo cũng đưa ra quy định mới buộc tất cả người ngồi trên ôtô phải thắt dây an toàn, xử phạt xe chạy trên hè phố...

Ngoài ra, bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các cảng vụ hàng hải, hàng không, cảng vụ nội địa... đối với hành vi xếp hàng quá tải trọng trong phạm vi kho bãi phụ trách, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho công chức, viên chức thuộc thanh tra các sở GTVT đang thi hành công vụ...

Theo ban soạn thảo dự thảo, trong quá trình triển khai nghị định 171 một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập. Cụ thể, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng.

Số vụ tai nạn giao thông do người lái có sử dụng rượu bia gây ra trên toàn quốc trung bình mỗi năm chiếm 16 - 20% và tăng đều hằng năm, nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao đang diễn ra phổ biến...

Theo ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo dự thảo, trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng nghị định thay thế nghị định 171.

Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính. Một là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai, mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau. Thứ ba, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường

Liệu có chuyện “cưa đôi” số tiền phạt?

Lý giải về việc tăng mức xử phạt, ông Hoàng Thế Tùng cho rằng sau hai năm áp dụng quy định nghị định 171 vào thực tế, trong quá trình soạn thảo thành viên ban soạn thảo là lực lượng CSGT cũng cho rằng chế tài cũ chưa đủ sức răn đe, nhiều người lái xe vẫn còn xem thường dẫn tới hành vi sẵn sàng vi phạm giao thông.

“Do vậy, đây là cơ sở để ban soạn thảo đưa đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng vào dự thảo mới” - ông Tùng nói.

Về lo ngại liệu có xảy ra tiêu cực đối với lực lượng tham gia xử phạt khi mức xử phạt được tăng cao nhiều lần, ông Tùng cho rằng điều này phụ thuộc vào sự chấp hành quy định trong hoạt động của lực lượng thực thi công vụ cũng như công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng đối với lực lượng này.

“Tuy nhiên, giả sử có xảy ra tiêu cực thì nếu có việc thỏa thuận ngầm theo hình thức “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng công vụ thì mức xử phạt vẫn đảm bảo cao đủ răn đe người tham gia giao thông” - ông Tùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, những con số về mức xử phạt hiện đang ở giai đoạn lấy ý kiến, có thể tăng hoặc giảm trên cơ sở góp ý của người dân, các địa phương, bộ ngành trước khi ban hành vào thực tế.

Theo lộ trình, cuối tháng 9 dự thảo nghị định sẽ được trình Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ quyết định vào tháng 10-2015.

Phần Lan: mức phạt theo thu nhập

Báo The Atlantic từng có bài báo giật tít “Phần Lan, nơi có phiếu phạt lái xe quá tốc độ lên tới 103.000 USD”. Đó là vì Phần Lan quy định mức phạt với chủ xe khi vi phạm luật giao thông căn cứ vào thu nhập của họ.

Chẳng hạn doanh nhân Reima Kuisla của Phần Lan gần đây bị phát hiện đã lái xe với tốc độ 65 dặm/giờ trong khu vực chỉ được lái ở mức tối đa 50 dặm/giờ. Bình thường nếu ở Mỹ, vi phạm đó chỉ bị phạt vài trăm USD.

Nhưng khi cảnh sát Phần Lan kiểm tra thông tin từ hệ thống dữ liệu đóng thuế tại liên bang để biết thu nhập cá nhân thì mức phạt ông Reima Kuisla lên tới 54.000 euro, vì thu nhập hằng năm của ông là 6,5 triệu euro.

Trường hợp bị phạt mức “khủng” như doanh nhân Reima Kuisla không phải chưa từng có. Năm 2002, một giám đốc của Nokia đã bị phạt 103.000 USD vì đi môtô tốc độ 45 dặm/giờ trong khu vực quy định tốc độ tối đa 30 dặm/giờ.

Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Áo, Pháp và Thụy Sĩ cũng áp dụng một số mức phạt liên quan tới thu nhập như vậy.

D.KIM THOA

LÂM HOÀI (lamhoai@tuoitre.com.vn)