“Tất cả là những người điên”

Cập nhật lúc: 07:40 25/06/2018

“Tất cả là những người điên”

“Tất cả là những người điên”

 

Buổi sáng hôm đó như đã có điềm báo trước mà nó không biết. Nó ngồi lái xe mà ngáp ngắn ngáp dài, bên cạnh là cô nhân viên bán vé cũng đang gà gật, như kiểu lúc nào cũng sẵn sàng đồng ý. Đến đoạn cánh đồng HK, đoạn mà nó thích nhất trên cả tuyến đường. Những làn gió phơn phớt đem cái không khí thoáng mát trong lành ùa vào xe. Nó phổng mũi thật to, hít thật sâu, hít thật nhiều cái không khí nó cho là tốt đẹp.

Bầu trời tháng giêng ủ dột, khối mây đen kịt dày như miếng bánh đúc hình cái chảo khổng lồ chụp xuống, những dãy núi trùng điệp tạo đường chân trời xa xa, xa xa màu biêng biếc, biêng biếc.

Thường ngày, xe chạy tới đâu bầu trời được cơi nới đến đó, mây trắng cứ dâng lên, dâng lên vậy mà…

Con đường độc đạo đi vào cái thị trấn miền núi K thảm nhựa phẳng lì, nhỏ tẹo chỉ đủ cho hai chiếc xe ô tô tránh nhau. Phía trước có một chiếc xe tải đang lao tới. Nó phát hiện phía đường của nó có chướng ngại vật.

Một người điên đi trái đường.

Ông ấy khoảng năm mươi tuổi, không lạ gì với cánh lái xe ngày ngày chạy trên con đường này. Một người dân tộc thiểu số khổ người cao lớn, tóc tai bờm xờm xoăn tít luôn trong thế dựng ngược. Đôi mắt với hàng chân mày rậm như nhân vật Mãnh Quạch trong phim chưởng Hồng Kông. Đôi mắt ấy không như mắt những người điên thường thấy, nó hoạt náo vừa sắc, vừa sâu kỳ lạ!

Chiếc áo nỉ bê bết bùn đất dài quá đến đầu gối. Đôi chân đen gân guốc, các ngón chân toè ra như như nan quạt, kiểu bàn chân không chấp nhận bất cứ loại giày dép nào.

Tướng đi hùng hổ mãnh liệt cứ lao lao, lao lao về phía trước. Người ta thường thấy ông ấy bất kể ngày hay đêm, giá rét hay những buổi trưa đổ lửa, không mũ không nón. Cỏ lề đường đoạn cánh đồng này hình như không mọc nổi bởi ông ấy dẫm đạp quá nhiều với đôi mắt láo liên lục lọi, như khao khát tìm lại một cái gì đó vô cùng quý giá.

Ông Điên vẫn xăm xăm bước tới, vẫn xăm soi tìm kiếm. Râu quai nón đâm ngang như rễ tre theo cái đầu lắc lư mà vểnh lên, vểnh xuống. Giá như…! Một ý nghĩ nghịch ngợm loé lên trong đầu nó. Giá như ai đó chỉn chu chăm sóc cho ông ấy, tắm rửa, chải tóc, tỉa râu và vấn khăn…quấn theo kiểu đàn ông Đạo Hồi có lẽ ông ấy sẽ rất giống Bin La Đen.

Lạy Chúa! Sao bây giờ nó mới nghĩ tới tên của nhân vật khủng bố mà cả thế giới đang săn đuổi này nhỉ? Phải rồi, mà biết đâu…Bin La Đen chả phải nổi tiếng về việc hoá trang đó sao?

Phải rồi, Bin La Đen đã mấy năm biệt vô âm tín, khi mà chính quyền Mỹ luôn rêu rao có mắt thần từ vệ tinh luôn giám sát mọi động thái trên mặt đất, thấy cả kem đánh răng của ông Sat Đam Hut Sen trong boong ke nằm sâu dưới lòng đất là loại gì. Thế mà ông ấy…Bin La Đen vẫn mất dạng, phải chăng khả năng hoá trang đã biến một Bin La Đen lừng lẫy thành một ông Điên?

Nó mê mải nghĩ, nó hình dung, nó tưởng tượng…Nó phát hiện được trùm khủng bố. Ôi trời ơi! Khi đó sẽ như thế nào nhỉ? Có lẽ khi đó nó sẽ nổi tiếng hơn cả ông ấy. Nó sung sướng cười the thé một mình, rồi nó tưng hửng với cảm giác hơi xấu hổ. Nó liếc mắt sang bên cô nàng bán vé. Cô ấy vẫn gật gù nghe chừng tâm đắc với cái ý nghĩ làm người hùng của nó. Được trớn nó càng hả hê, càng dấn sâu vào những pha tưởng thưởng rượt đuổi nguy hiểm như  phim Điệp viên 007.

Nó dấn ga, thay vì phải ước lượng khoảng cách giữa xe ngược chiều, ông Điên và chiếc xe  mà nó điều khiển đang lao tới thì nó lại đắm chìm trong suy diễn…

Hai chiếc xe và một người điên giao nhau tại một điểm!

Cứ như mọi lần thì người điên sẽ bước một bước chân xuống lề đường để tránh và không có việc gì xảy ra. Hôm nay, trong khoảng khắc này nó vẫn tin là ông điên sẽ làm như vậy, nhưng không phải bước ra, ông ấy bước vào. Một tiếng động khô khốc vang lên và tiếng người ngã vật ra. Nó thét lên:

- Chết tôi rồi trời ơi!

Cô bé bán vé choàng tỉnh cũng ré lên  thảm thiết…

Cảnh tượng trước mắt là ông người điên đã chết, mồm ngoác ra với đôi hàm răng trắng nhởn. Hàm răng rất đều và đẹp giờ như chiếc nạm i nốc sáng loá, đanh lại. Đôi mắt trừng trừng nhìn vào cõi vô biên.

Nó ôm mặt khóc rú lên. Nó lao xuống ôm ông người điên mà lay mà gọi:

- Ông ơi, ông đừng chết!

Rồi theo bản năng mách bảo nó bật dậy và chạy. Nó chạy bổ nháo, bổ nhào…Rồi chạy như bay… Đôi chân nó như đôi cánh, vẫy vẫy. Nó chạy về phía chân đèo nơi cảnh sát giao thông hay làm, ở đấy người ta sẽ đón nó, bảo vệ và chở che.

Nó bị tạm giam hai ngày hai đêm, như người ta nói là để tiện việc điều tra và bảo vệ nó khỏi bị gia đình nạn nhân hành hung. “Một ngày ở tù bằng nghìn năm ở ngoài” câu nói đó cứ văng vẳng trong tai nhưng nó không sợ.

Nó cảm thấy hài lòng khi được ở một mình trong một căn phòng rộng cửa khoá, tắm rửa vệ sinh ngay tại chỗ. Cơm được một tô nhựa đầy và một miếng thịt gà kho mặn, một người tù bưng vào đưa cho nó qua song sắt.

Đêm đến là lúc lương tâm nó bị dày vò nhiều nhất. Thế là nó đã giết người, thế là bàn tay nghề nghiệp của nó đã vấy máu. Ông ấy điên nhưng cũng là một con người! Nó tự trừng phạt bằng cách quỳ suốt đêm và lòng ăn năn sám hối. Giá như đừng có giấc mơ hoang đàng ấy, giá như…

          Nó giết muỗi cống nạp cho lũ kiến lửa. Nó ê a làm thơ mỗi khi sắp quỵ xuống

Mùi xú uế bốc lên nồng nặc

Phòng giam im lặng đến rợn người

Lũ kiến lửa cong đít chờ mồi

Muỗi như ong vây người mới đến…

*

Thế mà cũng ra tù vào khám

Nước lã thân tù đạm bạc như ai

Suốt ngày muỗi hát bên tai

Đèn cao áp sáng hoài bên song cửa

Bạn của tớ có vài trăm con kiến lửa

Lũ gián ung dung chải chuốt sửa râu hùm!

Râu hùm, trời ơi cái bộ râu Bin La Đen đã làm hại nó. Bộ râu của ông người điên giờ như những tia lửa điện chích vào đầu nó những dằn vặt khôn nguôi...

Cũng như nhiều tài xế khác rất oách khi chưa có sự cố gì xảy ra. Nó cũng vậy, ngồi vào tay lái với tư thế bảnh choẹ lắm! Lúc cao hứng vuốt đôi bàn tay trên vô lăng vẽ những đường cong như nhung như lụa, lúc hào sảng thẳng lưng, mắt trừng trừng nhìn phía trước, một tay lái, một tay giữ cần số; chân vuông góc vững như bàn thạch. Những lúc ấy nó hình dung nó như tượng đài yếu nhân đang chống kiếm sẵn sàng nghênh tiếp quân xâm lược…Những lúc ấy nào mảy may nghĩ đến sự rệu rã, thảm bại như lúc này…

Bài học cơ bản mà ngày đầu tiên bước chân vào trường học lái nó thuộc nằm lòng. Thầy nó dạy:

Trong lễ phong tặng anh hùng lao động Liên Xô, người ta đã phỏng vấn người lái xe vừa đạt danh hiệu cao quý này làm thế nào mà suốt cuộc đời lái xe ông  không gây tai nạn? Ông trả lời: Tôi xem tất cả là những người điên!

Những người điên họ không thể kiểm soát hành vi của mình và có thể lao vào xe bất cứ lúc nào.

Nó tâm đắc điều này vô cùng và từng nghĩ: Tất cả các tai nạn xảy ra đểu có lỗi của tài xế.

Bởi bước chân vào nghề người ta đã dạy phải cẩn thận, phải luôn đề phòng tất cả. Vậy mà…

Mẹ nó còn bảo

Mở cánh cửa xe là mở cánh cửa tù.

Nó cười xí xớn chọc lại bảo mẹ mà biết gì…Nghĩ vậy nhưng nó vẫn ghi lòng tạc dạ xem như lời dặn dò để nhắc mình trong suốt mười mấy năm cầm lái liên tục không để xảy ra tại nạn nào.

Thế đấy, những bài học mà bao nhiêu năm nó tưởng chừng không thể quên ấy vậy mà nó lại quên, những lời dặn dò nó tưởng đã nhớ vậy mà không hề nhớ. Tất cả chỉ trong một cái tích tắc!

Giá như nó tập trung, giá như đừng mơ giấc mơ thiên lôi đó, giá như nó đừng ỷ lại phản ứng bản năng của ông Điên là bước ra lề cỏ. Giá như nó thả chân ga ra một nhịp thì đâu đến nỗi. Giá như nó biết đề phòng, giá như nó cẩn thận hơn một chút. Giá như nó biết nghĩ tai nạn chỉ trong cái chớp mắt. Giá như…! Lại giá như.

Tiếng xích khoá cửa loẻng xoẻng, nó hốt hoảng như bị đánh trộm. Anh công an đi kiểm tra và nhắc nó chuẩn bị tinh thần ngày mai sẽ cho gặp gia đình nạn nhân. Nó trố mắt nhìn cái anh chàng trẻ tuổi mà hai hôm trước áp giải nó xuống căn phòng này sau khi có lệnh tạm giam. Anh ta bắt nó lột hết quần áo, khi mà nó đang muốn hỏi lại tại sao thì với một giọng đanh lạnh quyết liệt:

Từ giờ phút này ông mất quyền công dân, ông phải làm theo lệnh chứ không được thắc mắc gì hết nếu không muốn ăn đòn.

- Nó e dè cởi áo, cởi quần mắt nhìn anh lính thăm dò:

- Cởi cả quần lót, cởi hết!

- Nó làm theo như một cái máy. Nó cởi mà lòng buốt giá!

Anh lính ôm đống quần áo lần mò cẩn thận, sau khi thu giữ lại dây thắt lưng, dây rút quần lót, anh ta ném trả và ra hiệu cho nó mặc lại.

Ôi trời, hoá ra anh ta đề phòng nó tự tử! Bỗng dưng nó cảm thấy nhục. Nó mỉm cười chua chát. Giá như người ta cứ cho “Đại bàng” đánh nó một trận để nó có lý do mà khóc, còn hơn để nó cứ vật vã tự hành xác như thế này.

Anh lính quay ra và mất hút vào bóng đêm.

Một mình nó trơ trọi, cảm giác ớn lạnh vừa xuất hiện theo một cơn gió. “Cứ hiu hiu gió là hay chị về” câu thơ của cụ Nguyễn Du khiến nó liên tưởng tới hồn ma. Cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng, da gà nổi rần rần khắp nơi. Nó đờ người và nhắm nghiền mắt lại. Nơi cái cửa sổ bé xíu trên cao kia là đôi mắt ông Điên, đôi mắt quá sáng, đôi mắt man dại, đôi mắt hằn lên những vệt máu đỏ bầm.

Nó rúm ró co người thật nhỏ. Nó xoay người đủ chiều nhưng không thoát khỏi ánh mắt. Nó ngồi xếp bằng chắp tay cầu kinh niệm Phật.

Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di đà Phật. Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật. Nam mô cứu khổ cứu nạn. Nam mô đại từ đại bi hỷ xả…

…      

Người ta sắp xếp cho nó và gia đình ông Điên gặp nhau trong cái hội trường rộng. Nói là gia đình chứ thật ra là một buôn chứ không chỉ một vài người. Có đủ ông bô bà lão, phụ nữ, thanh niên trẻ con lố nhố. Toàn những người đóng khố, mặc đồ như kiểu dùng chăn mà quấn. Tất cả đều gầy guộc, đen và khô ráp. Những gương mặt người già nhăn nhúm, phụ nữ, thanh niên tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ loe hoe như kiểu học đòi nửa tây, nửa ta trông rất hợm. Lũ trẻ lóc chóc, mặt mày phờ phạc, ngơ ngác thi nhau chỉ chỏ và ngắm nghía các bằng khen, giấy khen cái dán, cái treo khắp gian phòng.

Nó hốt hoảng thì mấy anh công an nhắc

Không có gì phải sợ, phong tục người đồng bào là vậy. Họ sống cộng đồng đoàn kết, đùm bọc nhau vậy đấy.

Rồi nó biết ông Điên cũng có vợ và ba người con nhỏ lít nhít. Nhìn bà vợ lưng còng còng, đôi mắt đờ đẫn mệt mỏi, nơi có hai dòng nước mắt cũng bị gián đoạn bởi những nếp nhăn cố hữu. Nó đã hình dung ra sự vất vả vả những thăng trầm, cam chịu mà bà đã phải gánh.

Bên phía nó có anh trai và một ông chú ở dưới quê cũng lặn lội vào có mặt trong cuộc gặp. Chủ yếu là mang theo tiền để hỗ trợ cho nó bồi thường gia đình người ta.

Thưa già làng, thưa tất cả! Sau mấy ngày điều tra và bằng chứng vụ tai nạn mà hiện trường để lại. Chúng tôi tạm thời kết luận lỗi do tài xế thiếu quan sát, phóng nhanh gây tai nạn. Phía bị hại lại là người điên, không tự chủ được hành vi, đi trái đường…Tai nạn xảy ra là điều đáng tiếc! Về phần tài xế chúng tối tiếp tục điều tra và sẽ chuyển hồ sơ sang viện kiểm soát đề nghị truy tố. Nhưng trước hết gia đình tài xế cũng muốn được chia sẻ với một phần với nỗi đau mất mát, hỗ trợ một ít tiền để giảm bớt khó khăn với gia đình. Chúng tôi tạo điều kiện cho hai gia đình gặp nhau để thoả thuận, trao đổi, mong rằng gia đình bị hại mà ở đây có cả những người già có uy tín hết sức bình tĩnh để cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí ôn hoà và đi đến những thoả thuận thoả đáng mà hai bên cùng có thề chấp nhận được. Chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản chứng kiến, ghi nhận những thoả thuận đạt được làm chứng cứ về sau.

Nó liên tục vuốt mặt lau mồ hôi trong suốt quá trình gặp gỡ. Những ánh mắt hoang dã luôn liếc vào nó khi có cơ hội. Những ánh mắt như xâu xé, như ngàn mũi kim đâm muốn khắc thật sâu hình ảnh một con người đã hại chết một con người vô tội.

Cũng may mà cuộc gặp diễn ra chóng vánh, thuận lợi hơn không như lúc đầu nó tưởng. Những con người khốn khó ấy đầy lòng tự trọng và bao dung.

Ông già làng nói tiếng kinh lơ lớ:

Nó bị bệnh thần kinh đã làm khổ vợ, khổ con, làm khổ cả mẹ và người thân trong gia đình. Nay nó chết cũng khổ, không có tiền có bạc gì hết, cơm cũng không có mà ăn. Các con của nó mất bố. Nó điên nhưng mấy đứa con của nó vẫn gọi nó là bố mà. Không đòi hỏi gì đâu, cho nó cái hòm gỗ cho nó ấm, xây cho nó ngôi nhà cho nó khỏi phải nằm mưa, nằm nắng. Tiền hỗ trợ được bao nhiêu thì cũng được, chủ yếu là cho mấy đứa con của nó đi học thôi mà…

Toà xử nó mấy tháng án treo. Nó không phải đi tù nhưng nó biết, ánh mắt ông Điên không bao giờ tha thứ cho nó. Ánh mắt toé máu ấy sẽ  còn theo nó suốt đời …

 

Trương Nhất Vương