Từ 10/11, tăng nặng hình thức xử phạt với lỗi vi phạm giao thông

Cập nhật lúc: 22:04 06/10/2012

Từ 10/11, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ tăng nặng hình thức xử phạt với các lỗi vi phạm giao thông.

Đặc biệt, Nghị định 71 còn quy định người vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt về việc chạy xe không có giấy tờ nếu quá hẹn chưa nộp phạt

Trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP không quy định cụ thể việc lái xe bị tạm giữ giấy tờ GPLX, GĐKX... do vi phạm giao thông có được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian chờ nộp phạt hay không. Chính điều này dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định xử phạt, gây khó cho cả lực lượng chức năng lẫn người tham gia giao thông.

CSGT đo nồng độ cồn với người điểu khiển phương tiện
CSGT đo nồng độ cồn với người điểu khiển phương tiện

Theo quy định mới, khi bị tạm giữ giấy tờ xe, người vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt về việc chạy xe không có giấy tờ nếu quá hẹn không đi nộp phạt. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 71 quy định: “Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định... Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.

Như vậy, để bảo đảm việc thu tiền phạt, trong thời gian bị tạm giữ các giấy tờ, tài xế vẫn được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong 9 tháng năm 2012, cả nước xảy ra 23.190 vụ, làm chết 6.657 người, bị thương 24.763. So với 9 tháng đầu năm 2011 giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ATGT, người tham gia giao thông vẫn vi phạm nhiều quy tắc giao thông, đặc biêt vi phạm về nồng độ cồn.
 
Chỉ tính riêng trong 6 tháng 2012, CSGT toàn quốc đã xử lý gần 49.000 trường hợp người điều khiển xe ô tô và gần 12.000 trường hợp người điều khiển xe máy có nồng độ cồn quá mức quy đinh. Xảy ra 262 vụ TNGT mà nguyên nhân lái xe say rượu bia (chiếm 4,7 %). Trong khi đó, lực lượng chức năng khó có thể kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm nồng độ cồn.

Thượng tá Trần Sơn - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Xử lý điều tra tai nạn - Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết: Thực tế, việc kiểm tra, xử lý những trường hợp lái xe có sử dụng rượu bia đang gặp nhiều khó khăn. Những người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện thường có những hành vi vi phạm nghiêm trọng như chạy quá tốc độ, không làm chủ được tay lái. Họ sẵn sàng tìm mọi cách tránh né lực lượng chức năng, thậm chí có đối tượng còn hành hung lực lượng kiểm tra.

Bên cạnh đó, Thượng tá Trần Sơn cho rằng:  Để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đòi hỏi lực lượng kiểm tra phải đủ mạnh. Trung bình mỗi tổ công tác thường phải có từ 5 - 10 chiến sỹ CSGT và phối hợp với công an sở tại mới kiểm tra, xử lý được. Trong khi đó, quân số của các đội CSGT còn hạn chế, mỗi đồng chí phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên số trường hợp bị xử lý vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế. Thêm vào đó, do chế tài xử phạt trước đây chưa đủ mạnh nên chưa tạo được tính răn đe với người vi phạm.

Trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng nếu người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có nồng độ cồn trong máu vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu vượt quá trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài bị phạt tiền còn bị tước GPLX 60 ngày, bị tạm giữ phương tiện 10 ngày. Trường hợp người lái ô tô có nồng độ cồn dưới mức 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng và tước GPLX 30 ngày.

Riêng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, nếu người điều khiển có nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligam/100mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 500 nghìn-1 triệu đồng. Nếu vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, lái xe uống rượu bia còn bị phạt bổ sung như tước GPLX 60 ngày nếu nồng độ cồn cao hoặc tước giấy phép không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng.

“Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định 71 là với người vi phạm không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thì cũng phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT trong kiểm tra, xử lý vi phạm”, Thượng tá Trần Sơn cho biết.

Văn Thanh