Đừng để phải nói hai tiếng “giá như”- một cuốn sách đáng đọc

Cập nhật lúc: 22:33 13/12/2016

http://newsthoidai.vn/dung-de-phai-noi-hai-tieng-gia-nhu-mot-cuon-sach-dang-doc/

Đừng để phải nói hai tiếng “giá như”- một cuốn sách đáng đọc

          “Tôi đã từng bị đuổi việc, từng tự đấu tranh để đòi lại công bằng cho bản thân mình…Vì vậy, tôi đã viết những điều tai nghe mắt thấy trên đường, những điều trái tim và trách nhiệm công dân thôi thúc. Đã có những lời hăm dọa, những tin nhắn nặc danh yêu cầu tôi không được viết những tệ nạn trên đường nữa, nếu không, sẽ thế này thế nọ nữa. Nhưng tôi không sợ. Tôi nghĩ đơn giản, chỉ khi nào máu người dân không còn đổ oan ức trên những cung đường. Tiền của người dân không bị sử dụng lãng phí hoặc có nguy cơ rơi vào tay bọn cơ hội thì khi đó tôi sẽ ngừng viết”.  Những dòng tâm sự “gan ruột” trên đây ở trang bìa 4 của tập truyện ngắn, phóng sự “Đừng để phải nói hai tiếng “giá như”(Nhà xuất bản Lao động) đã buộc tôi lật lại trang mở đầu của cuốn sách để rồi sau đó không thể bỏ sót trang nào.

 

Lái xe không chỉ bằng vô lăng!

         Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên tôi đọc được một cuốn sách thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật đề tài về giao thông. Sự hòa trộn giữa tính văn học và tính báo chí trong một cuộc thi về đề tài này do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức đầu tháng 4/2013 tổ chức đã là thú vị. Càng thú vị hơn nữa khi tác giả của cuốn sách “Đừng để phải nói hai tiếng giá như” vừa là một lái xe đường trường, vừa là người làm thơ, viết báo nghiệp dư. Phải chăng, vì sự tất cả những điều thú vị này mà Trương Nhất Vương (tác giả cuốn sách) đã từng nhận 4 giải thưởng báo chí về đề tài giao thông.

     Nhưng tôi đã không còn bị chi phối về chữ giải thưởng mà mỗi lúc mỗi tin hơn ở độ chân thật tới mức không có chỗ nào có thể làm người ta nghĩ tác giả khi viết cuốn sách đã phải dừng lại chau chuốt ở câu chữ. Chỉ thấy hiện lên một tài nhiệt tâm, nhạy bén song nghiêm khắc, cẩn trọng,  ghi lại từng chặng đường đã qua của mình, và đúng như anh nói, đó là “tâm sự rút ruột của người cầm vô lăng 20 năm”.

Truong nhat Vuong

Tác giả cuốn sách từng nhận được 4 giải báo chí về đề tài giao thông

  Khi nói về tài xế đường trường, xã hội thường hay tồn tại quan niệm giản đơn, đó là nghề dễ kiếm việc làm, chỉ cần bỏ tiền ra để học lấy bằng là có thể lái xe được. Nhưng qua những mẩu chuyện kể giản dị, mạch lạc của Trương Nhất Vương trong cuốn sách, người đọc thấm thía về độ trải nghiệm trước những nguy hiểm, gian lao trên từng cây số mà phải “lái xe bằng cả trái tim, khối óc” mới có được. Khối óc thì hẳn là ai cũng phải vận dụng tới rồi, nhưng còn “trái tim” ? Không phải người lái xe nào khi cầm vô lăng cũng trăn trở về tình yêu thương hay là ý thức trách nhiệm. Có gì làm người ta tin hơn những lời tâm sự sau đây của người tài xế đã từng chạy thuê cho hơn 20 đầu xe, từ xe chợ (dù) cho đến xe chất lượng cao hai tầng: “ Tôi nghĩ cho dù cái mạng tài xế nghèo rớt mùng tơi của mình chẳng là gì, nhưng hàng mấy chục con người vô tội (cả người già, trẻ con, phụ nữ có thai…) trong tay mình, buộc mình phải cẩn thận…Cứ nghĩ đến cảnh chiếc xe bị trôi ở Hà Tĩnh với ba bà mẹ trẻ, trên tay là đứa con thơ dại không biết bấ bíu vào đâu trong khi chiếc xe nháo nhào tìm lối thoát thân, chỉ biết khóc và chịu chết thảm, tôi lại không cầm được nước mắt”.

Kỹ năng ứng phó với tử thần

         Qua  những câu chuyện kể, những phóng sụ ghi chép  mỗi chuyến đi của Trương Nhất Vương, người đọc luôn bắt gặp những tình huống bất ngờ  xuất hiện bất cứ lúc nào trên đường, chỉ cần thiếu chút quan sát, xử lý không kịp là tai nạn xảy ra. Thế nên tài xế ngoài kỹ năng điều khiển xe cũng phải bình tĩnh trước các sự cố và nhanh nhạy trong việc xử lý. Trong bài viết :”Tai nạn giao thông từ góc nhìn tài xế” (trang 15), Trương Nhất Vương đã thẳng  thắn chỉ ra bệnh “chủ quan” của tài xế, là nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn giao thông. Từ  biểu hiện “lấn đường” mà anh cho đó là “triệu chứng” kinh niên thường gặp nhất và hay gây tai họa nhất,  Trương Nhất Vương đã phân tích hiểm họa của nó, trong những trường hợp hết sức cụ thể, chẳng hạn: “Đặc thù đường Tây Nguyên nói riêng, đường Việt Nam nói chung là đường đèo dốc, quanh co uốn lượn, tầm nhìn hạn chế. Trên tất cả các quốc lộ, hay tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt giải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này lái xe không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp. Luật là vậy nhưng nhiều tài xế chẳng hề để tâm, để ý. Xe vào đường quanh co mà chân cứ đạp hết ga. Lực li tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng “bay” ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách duy nhất là lấn đường, tốc độ càng lớn thì phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn, bị khóa càng  cao. ..Biết bao tai nạn vẫn xảy ra bởi những nơi khuất tầm nhìn thường tiềm ẩn những mối hiểm họa khó lường không thể dự báo, vậy mà các tài xế vẫn không hết căn bệnh chủ quan.” (trang 15).  Hay từ tai nạn thảm khốc tại Cam Ranh, Khánh Hòa qua góc nhìn của giáo viên dạy lái xe (trang 18), tác giả chỉ ra tình huống nguy hiểm bất ngờ, từ sự chủ quan, thiếu phòng xa của tài xế: “Đường đang rất đẹp bỗng dưng sóng trâu, ổ voi sâu hoáy. Bên này dốc thì nắng đẹp, lưng chừng dốc bên kia mưa rào, nước chảy thành suối róc rách. Những đoạn đường thi công dở dang, đào cống, rãnh, làm cầu đường, các đơn vị thi công cầu thả quên không đặt biển báo hiệu . Những hố tử thần bất ngờ xuất hiện đã từng chôn vùi cả chiếc xe giữa phố Sài Gòn. Xe đang chạy có người chán đời lao vào xe, hay ném thẳng hòn đá giữa mặt tài xế. ..v.v…”.(trang 19)

Nguoi tài xê tài hoa và đa mang

    Người thầy dạy lái xe tài hoa và đa mang này còn là người làm thơ, viết báo nghiệp dư

       Ở mỗi một trang viết, Tác giả cuốn sách đều đưa ra những tình huống cụ thể, khi thì trong vai trò của người cầm lái, khi thì ở cương vị người thầy dạy lái và cả những lúc chỉ là khách đi đường. Sau những  điều tai nghe, mắt thấy, giác quan tiếp nhận là những bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng. Thiết nghĩ bất cứ lái xe nào, chỉ cần thực hiện theo những tiêu chí mà tác giả cuốn sách đưa ra (thay cho lời đề nghị) là quá đủ để chủ động phòng ngừa bất trắc xảy ra khi tham gia giao thông: một lái xe khi đã hội đủ tất cả những điều kiện cần và đủ, với điều kiện tình trạng kỹ thuật phương tiện tốt thì yếu tố quan trọng bậc nhất để lái xe an toàn theo ý nghĩ chủ quan của tôi là tốc độ; Tốc độ phù hợp với sức khỏe lái xe, tốc độ phù hợp với khả năng lái, phán đoán, xử lý tình huống; Tốc độ phù hợp với tình trạng mặt đường, mật độ giao thông, điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình”…

Và cả những điều không thể lặng im

       “Đừng để phải nói 2 tiếng “giá như” nếu chỉ là cẩm nang cho người lái xe thì chỉ cần tới trên dưới mươi, mười lắm trang giấy là quá đủ. Đằng này, cuốn sách dày tới 240 trang mà người đọc không hề có cảm giác về sự thừa thãi câu chữ, không những thế, còn dễ cảm, dễ hiểu, dễ “tiêu hóa” với những giãi bày, tâm sự, trăn trở. Làm sao có thể thờ ơ khi đọc những dòng thao thiết như thế này: “Tôi nghĩ đơn giản, chỉ khi nào máu người dân không còn đổ oan ức trên những cung đường. Tiền của người dân không bị sử dụng lãng phí hoặc có nguy cơ rơi vào tay bọn cơ hội thì khi đó tôi sẽ ngừng viết” (trang 63). Đây không phải là văn phong của một tài xế thông thường; đây là hơi thở trái tim nóng của người viết báo. Có lúc tưởng như đang rất tỉnh, rất lạnh khi mô tả tình huống bất ngờ, hiểm nguy, Trương Nhất Vương bất ngờ để cảm quan tràn ra trên bề mặt trang viết: “Những hành động thiếu ý thức, vô văn hóa, những hành động xả rác, nước bừa bãi, xả chất thải, bùn đất ra đường nhất định sẽ bị nghiêm trị”. Hay: “Tôi là một lái xe chuyên nghiệp cũng hoan hỉ hòa chung không khí chống tiêu cực đó, tôi xác định việc CSGT đứng đường ăn hối lộ, tính chất thường xuyên, liên tục, lâu dài và có hệ thống trong nhiều năm nay do báo phản ánh là chính xác”…(trang 112)

       Còn vô số “khoảng lặng đằng sau tay lái” của người tài xế hết mình với nghề, với người, với đời, bộc trực, thẳng thắn và đa mang. Đặc biệt, trong những trang viết bày tỏ nỗi niềm gửi tới Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chứa đựng tất cả khối óc, tình cảm, ý thức công dân cao cả của người lái xe-công dân mẫu mực. Không biết tiếng lòng của tác giả:”Đừng để phải nói hai tiếng giá như” có đến được với Bộ trưởng Đinh La Thăng hay không? Thiết nghĩ, chỉ cần cấp lãnh đạo chức năng đọc được hết cuốn sách này, dư đủ để tìm giải pháp lấp đầy những khe hở trong ban hành luật giao thông, chấn chỉnh triệt để những thiếu sót, chủ quan của tài xế đường trường.

      Và trên hết, đó là lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng văn hóa giao thông như nhằm hạn chế mọi nỗi đau, đem lại bình yên cho mọi người, mọi nhà.

                                                       Nguyễn Dạ Lam