ĐƯỜNG ĐÔNG TRƯỜNG SƠN: ĐƯA TÂY NGUYÊN GẦN VỚI ĐỒNG BẰNG

Cập nhật lúc: 09:16 05/11/2010

Đường Đông Trường Sơn (ĐTS) đang được thi công khẩn trương, dự kiến hoàn thành cuối năm.

Con đường sẽ đáp ứng niềm mong mỏi của hàng triệu người dân, góp phần thay đổi đời sống đồng bào các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, đưa các tỉnh Tây Nguyên gần hơn với đồng bằng.

Đường ĐTS có chiều dài toàn tuyến khoảng 667 km, có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) và điểm cuối thông với tỉnh lộ 722 thuộc địa phận xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đi qua 7 tỉnh, 18 huyện với tổng số 53 xã, phường và thị trấn. Theo thiết kế, dự án này được chia thành 70 gói thầu, toàn tuyến được xây dựng quy mô đường cấp IV, cấp V miền núi, nền rộng 7,5 mét, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa, với tổng mức đầu tư xây dựng theo phê duyệt ban đầu hơn 3.528 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 46 chịu trách nhiệm thi công. Con đường này, được xây dựng trên cơ sở hướng tuyến của con đường Z114 trong kháng chiến gắn với những địa danh nổi tiếng một thời như Giang Mao, Cư Pui, Chư Prao (Dak Lak), Ayun Pa, Kon Chro, K’Bang (Gia Lai), Hiếu (Kon Tum), Thạnh Mỹ (Quảng Nam).
Đường ĐTS đoạn qua Dak Lak có chiều dài 120 km, chạy qua hai huyện Krông Bông (hơn 60 km, gồm các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao) và M’Drak (gồm Ea H’Mlay, Ea Riêng, Ea Lai, Thị trấn M’Drak, Krông Jing, Krông Á, Cư San). Tại gói thầu đường đôi lưỡng dụng S2 (từ thị trấn M’Drak vào xã Krông Á) chính thức thi công vào tháng 1 - 2009, Công ty Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 (thuộc Binh đoàn 11) đang chuẩn bị hoàn tất gần 5 km, hơn 100 tỷ đồng (thuộc địa phận xã Krông Á). Trong khi đó, ở những điểm thi công thuộc các gói thầu khác ở Krông Jing, Ea Lai (huyện M’Drak), Yang Mao, Cư Pui (Krông Bông) các đơn vị thi công cũng đang lao động tích cực ngày đêm nhằm bảo đảm tiến độ, bàn giao vào cuối năm 2010. Các nhà thầu đã huy động lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân và máy móc hùng hậu thực hiện nhiệm vụ thi công, đến thời điểm này, đường ĐTS chạy qua Dak Lak đã cơ bản rõ “hình hài” với khoảng 15% diện tích mặt đường đã được rải nhựa, còn lại là đường cấp phối, có thể phục vụ dân sinh và quốc phòng, trong đó, một số đoạn mặt đường rộng 30m.

Sau khi đường ĐTS hoàn thành, người dân xã Krông Á (M'Drak) không còn phải đi lại trên những con đường thế này.
Sau khi đường ĐTS hoàn thành, người dân xã Krông Á (M'Drak) không còn phải đi lại trên những con đường thế này.

Góp phần nâng cao đời sống đồng bào dọc tuyến
Tuyến đường ĐTS qua M’Drak, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 40% số hộ dân toàn huyện, mở mang lưu thông, trao đổi hàng hóa, kinh tế giữa M’Drak với các tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên. Xã Krông Á có 671 hộ với 3.195 nhân khẩu, bà con chủ yếu trồng ngô, mía và chăn nuôi gia súc, từ xã ra trung tâm huyện chỉ có con đường đất khoảng 20 km nên kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống người dân chưa cao. Vì vậy, bà con kỳ vọng rất nhiều vào những đổi thay lớn mà con đường mơ ước này đem lại. Già Y Sinh Niê háo hức: “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng con đường này để bà con đi lại, buôn bán thuận tiện, bọn trẻ ra huyện đi học sướng hơn”

 

Xã Cư Drăm có 5.900 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các dân tộc Dao, H’Mông… từ Bắc di cư vào chiếm gần 50%, hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, kinh tế của địa phương chậm phát triển, đời sống của người dân còn khó khăn. Tương lai không xa, khoảng 20 km đường ĐTS chạy qua sẽ tạo ra diện mạo mới trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm phấn khởi cho biết, “sau khi con đường hoàn thành, người dân trong xã đi lại thuận lợi hơn, đồng bào ở các buôn xa có thể ra trung tâm xã đi chợ hàng ngày, trẻ em đi học cũng thuận lợi. Ông Triệu Tài Anh (dân tộc Dao) ở buôn Cư Jắc cách trung tâm xã đến 18 km không giấu được nỗi vui mừng: “Khi có con đường, nhà mình đi làm rẫy sướng hơn, hạt lúa hạt bắp làm được có thể chở ra chợ bán, không bị ép giá, có người đau ốm không phải cáng đi bộ tốn nhiều thời gian nữa.

Như vậy, đường ĐTS đi qua những xã đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại cách trở, không những là con đường chiến lược phòng thủ của quốc gia mà còn góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của hàng ngàn đồng bào trong khu vực.

 

Minh Thông( theo bao daklak)