Vụ tai nạn xe khách rơi xuống sông Serepok qua suy luận của tài xế

Cập nhật lúc: 06:30 17/06/2012

Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ở cầu Serepok.

Và dưới đây là suy luận của 1 tài xế có nhiều năm kinh nghiệm...Vụ tai nạn xe khách rơi xuống sông Serepok qua suy luận của tài xế

http://m.vovgiaothong.vn/giao-thong/diem-nong-giao-thong/2012/05/vu-tai-nan-xe-khach-roi-xuong-song-serepok-qua-suy-luan-cua-tai-xe/

Làm nghề tài xế không ai dám nói trước điều gì, càng không ai muốn dính vào tai nạn và không ai có thể mong muốn đến một kết cục bi thảm như tài xế Phạm Ngọc Lâm (sinh năm 1970), tài xế chính điều khiển xe khách 47V- 2371 rơi xuống sông Sê Rê Pôk (Đăk Lăk) đêm 17, sáng ngày 18/5/2012.

Tôi cũng là tài xế xe khách từng chạy trên tuyến đường này xin đưa ra một số nhìn nhận chung chung, bởi thực tế và tình huống xảy ra trên đường rất vô cùng, không tình huống nào giống tình huống nào và không ai giống ai. Nói thì giỏi nhưng đối mặt thực tế thì mới biết… Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, tài xế Phạm Ngọc Lâm là một tài xế đã có nhiều năm kinh nghiệm cầm lái. Những tài xế như vậy chắc chắn không ít lần đứng trước sự lựa chọn: Sống và chết! Hoặc quyết định ai chết, ai sống trong vô số tình huống giao thông trên đường buộc người tài xế phải ra quyết định và xử lý nhanh trong nháy mắt.

Thông thường, xe khách có tính đặc thù là chở rất nhiều người nên trách nhiệm của tài xế xe khách luôn cao hơn rất nhiều so với những tài xế ở các loại xe khác. Do vậy trong mọi tình huống khẩn cấp, tài xế buộc phải chọn lựa chọn cách đảm bảo an toàn cho số đông mạng sống đang ngồi sau tay lái của mình. Ví dụ: Khi gặp xe ngược chiều đối đầu, nguy cơ va chạm rất cao, tài xế nhanh chóng giảm tốc độ, tấp sát vào lề đường đến mức có thể và cuối cùng là phanh tay đứng yên tại chỗ, còn để xe ngược chiều muốn đâm vào đâu thì đâm. Đối với các trường hợp tự tử, hay thanh niên sử dụng chất kích thích lao thẳng vào xe, phản xạ tránh người theo bản năng sẽ xảy ra, nhưng điều kiện đường hẹp, né thì xe rơi xuống sông, sẽ nguy hiểm đến rất nhiều người, tài xế thường sẽ phải lựa chọn: đối tượng lao vào đầu xe phải chết. Khi đó tài xế chân vẫn đạp phanh nhưng không phanh, tay sẽ lái nhưng không lái, hoặc có cũng là nhích qua và trả lại ở một cung rất nhỏ, không để xe chao đảo.

Phương án hy sinh số ít để không nguy hiểm cho số nhiều tuy không trường lớp nào dạy bảo nhưng nó luôn có trong đầu và trong trái tim những tài xế chạy xe khách.

Ngày 19/5, khi trên mặt báo đưa ra thông tin hộp đen xác định tốc độ tại thời điểm gây tai nạn chỉ là 42 km/h. Với tốc độ này dù mất lái, nổ lốp, thì chỉ phanh nhẹ là xe đã dừng (xin lưu ý, tất cả các xe chất lượng cao sau này hệ thống lái và phanh hãm cực kỳ hiệu quả). Như vậy tai nạn xảy khả năng do tài xế buồn ngủ hoặc có ý định tự sát.

Sáng 20/5, báo chí đưa tin xe bị nạn đột ngột tăng tốc độ, đó là khẳng định của ông: Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở giao thông Đăk Lăk. Trước đó, xe chạy 42 km/h, chỉ trong 34 giây xe vọt lên tốc độ 70 km/h và “Chúng tôi băn khoăn không hiểu sao một xe khách hạng lớn và trên xe chở đầy khách mà lại tăng tốc lên nhanh trong khoảng thời gian ngắn như thế”.

Xin lý giải hiện tượng trên theo võ đoán của dân trong nghề: Khi xe đã rơi, bánh xe chủ động không còn tiếp đất và trong vài giây rơi tự do, tài xế sẽ co, giật, đạp, gồng… theo cảm tính và bản năng sống, chống lại lực rơi xuống bằng cách đạp lên, tuy không cố ý nhưng đã đạp nhầm bàn đạp ga, khiến vận tốc xe tăng đột biến, do lúc này bánh xe không còn chịu ma sát với mặt đường và tải trọng của xe. Hoặc phát hiện xe đã ra khỏi tầm kiểm soát và bay ra ngoài thành cầu với tư thế nghiêng, tài xế sẽ lấy lái (cho dù không còn tác dụng) và đạp ga cố dìu cho chiếc xe rơi và tiếp đất ở phương thẳng đứng nhằm giảm bớt tổn thất hơn là rơi nghiêng và rơi lộn ngửa. Tuy tính toán của tài xế không như ý muốn nhưng đây là nguyên nhân khiến tốc độ tăng đột biến!

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn?

Giả thiết tài xế buồn ngủ:

Sáng sớm ngày 22/5, tôi trực tiếp xem lại hiện trường. Lan can (thành cầu) đã được gia cố, hàn lại như cũ. Có một điều rất khó lý giải: Tại hiện trường, đoạn đường dẫn đến điểm xảy ra tai nạn rất đẹp. Không có vết thắng, không có dấu hiệu của va chạm, hay cọ sát với các gờ nổi bê tông sơn sọc đỏ trắng, cao 40 cm, rộng 30 cm (dải phân cách cố định giới hạn phần đường xe chạy). Chiếc xe như có cánh bay qua dải phân cách này, trước khi xô đổ 20 mét lan can cầu và rơi. Như vậy chỉ có giả thiết chiếc xe đã lạc tay lái và đi vào khoảng giữa dải phân cách, xô đổ lan can và bật ngửa…
 


 
Dải phân cách còn nguyên vẹn và không hề có dấu vết va chạm

Một thực tế nhà xe sử dụng người rất hạn chế, mỗi xe chỉ có 2 tài xế, quay đầu liên tục, tối nay đi, tối mai về. Chỉ trừ trường hợp đau ốm hoặc có công việc thật sự cần thiết họ mới xin nghỉ. Quay đầu miết như vậy năm này qua năm khác. Sức người như cỗ máy, đến một lúc nào đó sẽ gãy cò.

Một nguyên nhân cũng cần xem kỹ lại là trước khi khởi hành, chiếc xe đã bị hỏng bầu hơi và phải chờ thợ sửa xong mới đi. Nổ bầu hơi xe vẫn có thể chạy nhưng không khác gì một con gà bị gãy cánh. Tài xế chạy đêm, sợ nhất là chờ đợi. Hư hỏng khiến người ta cực kỳ mệt mỏi lại phải chờ đợi… Chưa kể là tài xế phải chui xuống phụ để sửa, rồi lên tiếp tục lái… Chính là nguyên nhân dẫn đến buồn ngủ sớm hơn thường lệ.

Chưa kể, việc kiếm tiền ngoài luồng khi chạy xe khách đường dài là động cơ chính khiến tài xế cố chịu cày ghê gớm. Mùa lễ tết, mùa học sinh thi cử… là mùa tài xế dễ kiếm chác nhất. Nếu khoá chặt cửa tại đầu bến Buôn Ma Thuột và chạy thẳng một hơi đến Sài Gòn trả khách và làm tương tự ở chiều ngược lại, dám chắc rằng chỉ vài chuyến thì không cần ai đuổi tài xế cũng xin nghỉ việc và tìm một nhà xe khác “thoáng hơn”.

Nói tận cùng như vậy để thấy rằng, nguyên nhân buồn ngủ không phải không có cơ sở. Người ta bảo giờ đó mà ngủ gì? Xin thưa: Khi cơ thể đã quá mệt mỏi thì có dội nước đá lên đầu, chỉ vài phút sau là ngủ.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chứng minh, trong một ngày, với bất kỳ một người nào sẽ có một khoảng thời gian không kiểm soát được mình (người ta hay khoả lấp khi không nhớ một câu gì mà trước đó muốn nói bằng câu: Nay mình đãng trí thật!), đó chính là điểm rơi vô thức! Hoặc chứng ảo giác, thường rơi vào các tài xế đường dài, mất ngủ quá nhiều, trí não mệt mỏi nên rất dễ sinh ra ảo giác. Duy tâm thì bảo: “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Tài xế đang chạy bình thường bỗng thấy bóng trắng lao vào xe mình, thấy xa hoá gần, thấy nhỏ hoá to…và phản xạ bản năng là giật mình đánh lái. Những trường hợp này nếu còn sống thì chỉ tài xế biết và Mô Phật, về cúng cô hồn!. Nếu chết thì bí mật mãi mãi đem theo xuống mồ!!!

Dù nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc ở cầu Sê rê pook là gì đi chăng nữa, mọi tài xế cần phải biết lấy đau thương, tang tóc hôm nay làm bài học cảnh tỉnh trong suốt cuộc đời cầm lái. Đừng quá tự tin! Lơ là một chút, chạy nhanh một chút, cẩu thả một chút… có thể giết chết chính mình và cả những người khác. Xin hãy cẩn thận, chạy chậm luôn là giải pháp an toàn nhất mà 20 năm trong nghề tôi đúc rút ra được. Tôi đã từng cứu sống một người lao thẳng vào xe nhờ chạy chậm. Chạy chậm sẽ làm phước được cho rất nhiều gia đình mà đầu tiên là hạnh phúc cho chính gia đình mình đấy!…

Những hình ảnh chụp sáng sớm ngày 23/5/2012:

Không vết trầy xước

 Đường bằng phẳng không hề có một vết phanh

Đoàn phật tử chùa Dược sư xuống tận nơi xe rơi làm lễ cầu hồn.

Rất đông người dân đem hoa và thắp nhang cầu nguyện cho những người xấu số .

Cách nơi
xảy ra tai nạn chưa đầy 100m, từng đoàn xe vẫn hồn nhiên dừng xe ăn uống.

Xe tránh nhau trên cầu

 
Trương Nhất Vương