Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi 'đôi co' được không?

Cập nhật lúc: 07:09 11/03/2019

https://tuoitre.vn/xu-phat-vi-pham-giao-thong-thoi-doi-co-duoc-khong-20190310082432789.htm

Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi 'đôi co' được không?

10/03/2019 09:05 GMT+7

TTO - Để trị căn bệnh đôi co giữa người dân và CSGT khi xử phạt giao thông diễn ra khá phổ biến, đã có đề xuất sửa quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, khi có vi phạm, CSGT phạt, người dân không đồng tình có thể kiện ra tòa.

Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi đôi co được không? - Ảnh 1.

Lái xe “đôi co” với CSGT dù đậu xe không đúng nơi quy định trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vấn đề này được xới lên trong phiên giải trình về tình hình vi phạm giao thông do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm 6-3. 

Trong đó, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia - cho rằng việc yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh vi phạm đang đi ngược lại với các nước. Sau khi phạt, tranh chấp giữa người xử lý và người bị xử lý nếu cần có thể giải quyết trước tòa.

Ý kiến của các chuyên gia, luật sư xung quanh sự việc này ra sao?

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đúng quy trình, phải tuân thủ

Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi đôi co được không? - Ảnh 2.

CSGT phát hiện hành vi vi phạm có quyền ra lệnh dừng phương tiện và người dân phải tuyệt đối tuân thủ. Sau đó CSGT giải thích lý do dừng phương tiện, thông báo lỗi rồi đến bước chứng minh lỗi vi phạm. CSGT có quyền xử phạt trực tiếp hoặc giữ bằng lái... 

Nếu đã thực hiện đúng các bước mà người vi phạm cố tình không chấp hành, CSGT được quyền cưỡng chế theo quy định. Nếu người vi phạm chống đối, lăng mạ, tấn công... sẽ bị xử lý về tội danh "chống người thi hành công vụ".

Trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm thuộc về CSGT được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Để dân tâm phục khẩu phục, CSGT phải trưng ra được chứng cứ hình ảnh, số liệu kỹ thuật... để chứng minh vi phạm. 

Khi có sự hỗ trợ hệ thống hình ảnh, camera giám sát tốt, hành vi thực thi công vụ cũng được giám sát, người điều khiển phương tiện cũng không thể "cãi" về vi phạm. Khi ấy, hiệu quả quản lý nhà nước, trật tự xã hội được bảo đảm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân sẽ tốt.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước (phó trưởng khoa luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM):

Cần hệ thống giám sát thi hành công vụ

Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi đôi co được không? - Ảnh 3.

Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra... người dân phải chấp hành. Nhưng đừng hiểu và đồng nhất việc tuân thủ mệnh lệnh với việc người bị xử lý phải tuân thủ quyết định xử phạt. 

Luật của các quốc gia đều giống nhau là người bị xử lý chấp hành mệnh lệnh trước tiên. 

Nhưng khi người thực thi công vụ áp dụng chế tài hành chính, đó phải là kết quả của quy trình chứng minh hành vi vi phạm. 

Ví dụ, với lỗi lưu thông quá tốc độ, nồng độ cồn... phải có hình ảnh, số liệu thuyết phục.

Một hệ thống pháp luật tốt, muốn người dân tuân thủ, bên cạnh lực lượng thực thi công quyền có trách nhiệm còn phải có phương tiện hỗ trợ như camera, máy bắn tốc độ, máy đo độ cồn... Có được phương tiện này giúp CSGT chứng minh lỗi vi phạm, hạn chế tình trạng cự cãi giữa CSGT và người vi phạm.

Ngoài ra, cũng cần phân biệt việc người bị xử lý cự cãi với quyền được biết, quyền được giải thích của họ. 

Việc cự cãi thường xảy ra trong các trường hợp như: người vi phạm không hiểu luật, dẫn đến "cãi cùn", khi người vi phạm cho rằng CSGT lạm quyền hoặc khi CSGT xử phạt mà không đưa ra được chứng cứ. 

 

Người bị xử lý được quyền yêu cầu CSGT trưng bằng chứng, giải thích căn cứ xử phạt... Tuy nhiên, nếu người vi phạm có hành vi mắng nhiếc, sỉ nhục, tấn công... lực lượng thì áp dụng biện pháp xử lý, chế tài mạnh hơn theo quy định.

TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật):

Có quyền khởi kiện, không nên đôi co

Xử phạt vi phạm giao thông: Thôi đôi co được không? - Ảnh 4.

Ở nước ngoài ít khi lái xe đôi co, cãi vã với CSGT như ở Việt Nam. Khi phương tiện giao thông vi phạm, CSGT dán trát phạt, lái xe phải có trách nhiệm thực thi án phạt đó. Khi lái xe không đồng tình, họ có quyền đệ đơn khởi kiện hành chính ra tòa. Nhờ thế mà luật pháp nước họ rất mạnh và nghiêm minh.

Người dân Việt Nam dường như lãng quên, không sử dụng quyền khởi kiện các quyết định hành chính khi cho rằng quyết định sai. Có tâm lý e ngại là kiện chưa chắc đã thắng. Nhưng thắng thua tính sau, mình cứ sử dụng quyền của mình. Mình không bảo vệ quyền lợi của mình, ai bảo vệ cho mình!

Nhiều người có đặc tính rất lạ là "bất tuân pháp luật", thậm chí vi phạm pháp luật họ còn thấy thích thú. Chẳng hạn như vượt đèn đỏ, cảnh sát giao thông bắt hụt, thế là... vui, xem đó như một "chiến tích". 

Thực tế có một bộ phận người dân hiện nay vô tình hay hữu ý, bằng các hành vi của mình đã gián tiếp đặt luật pháp ở phía đối lập mình chứ không coi luật là một phương tiện để bảo vệ mình. Đây là điều cần phải nhanh chóng khắc phục.

Trong lĩnh vực giao thông, đã tuyên truyền về pháp luật, giáo dục nhiều rồi mà vẫn chậm chuyển biến, cần xử phạt thật nặng vi phạm, song song đó cần có cơ chế giám sát người thực thi pháp luật để tránh lạm quyền.

Luật sư Phan Minh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chứng minh không vi phạm khác với chống đối

Theo quy định chung của pháp luật Việt Nam, người thực thi pháp luật phải có chứng cứ mới buộc tội được người dân. 

Với CSGT, nếu muốn xử phạt người vi phạm, phải lập biên bản vi phạm hành chính, ghi rõ vi phạm điều nào, khoản nào và mức xử phạt... Nếu áp dụng không đúng, người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân có phản ứng thái quá như xô xát, tranh cãi, thậm chí chửi lại CSGT khi bị thổi phạt. Người dân có quyền chứng minh mình không có hành vi vi phạm. Nhưng nếu chống đối, có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ.

Không thể không nói đến việc người dân phản ứng là do CSGT thực thi trách nhiệm chưa nghiêm. Chẳng hạn như khi bị CSGT thổi phạt, có người gọi điện nhờ can thiệp, rồi được xử nương tay. Thậm chí có dư luận rằng CSGT sợ người vi phạm vì họ quen "ông nọ bà kia". 

Nhìn chung, sự nghiêm túc khi tham gia giao thông và thái độ xử phạt của CSGT đang có vấn đề nhưng chưa được chấn chỉnh.

Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia):

Không thể cãi nhau với người say rượu

 

khuat viet hung 1 2(read-only)
 

Phải xử phạt thật nghiêm các vi phạm để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần xem lại các quy định để tạo hành lang pháp lý và sự minh bạch cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Điều này rất quan trọng.

Đã từng xảy ra tranh cãi giữa CSGT và người vi phạm. Người bảo vệ pháp luật không thể cãi nhau với người say rượu hay người vi phạm nhưng cố tình không nhận sai.

Quy định hiện hành yêu cầu người xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh lỗi vi phạm là đang đi ngược lại với các nước.

Thông thường về mặt hành chính cứ xử phạt, trường hợp phạt sai người dân có quyền kiện người ra quyết định xử phạt ra tòa.

Nếu không giải quyết được vấn đề này tức là chúng ta đang tự "tước vũ khí" của cơ quan thực thi pháp luật.

Các nước như Mỹ, Đức, Thụy Sĩ... cảnh sát khi dừng xe yêu cầu tài xế để tay lên trên, nếu không chấp hành có thể bị trấn áp.

Ở ta, nếu CSGT có trấn áp, lại có dư luận cảnh sát đánh dân...

L.THANH (ghi tại cuộc họp ngày 6-3)